Nhiều nhà đầu tư lo ngại về “Hiệu ứng trước kỳ nghỉ lễ” nên giao dịch khá cầm chừng và thị trường cũng khá ảm đạm. Theo thống kê 22 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, có tới 10 năm thị trường tăng vào 5 phiên sau tết, việc nhà đầu tư mua vào những phiên trước tết và nắm giữ có thế giúp bạn lãi 5-10% vào dịp sau Tết nguyên đán.
Ghi nhận sự biến động mạnh nhất là năm 2020 do bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam và trên thế giới, diễn biến này khiến VN-Index tăng 2,47% trước Tết và ra Tết giảm hơn 6%.
Việc VN-Index đảo chiều xanh đỏ liên tục trước Tết có liên quan đến kinh tế vĩ mô hay định giá tổng thể thị trường theo đặc thù từng năm thì có hai lý do sẽ tác động tích cực lên thị trường đó là dòng tiền và tâm lý.
Ở yếu tố đầu tiên, trước Tết Nguyên đán luôn là thời kỳ cao điểm về nhu cầu tiền đồng, người dân có nhu cầu cao cho việc chi tiêu, mua sắm; các doanh nghiệp phải sẵn sàng chuẩn bị những khoản tiền lương, thưởng cho nhân viên của mình.
Đây luôn là thời kỳ cao điểm về thanh khoản và các ngân hàng liên tục phải đi vay mượn lẫn nhau hoặc đi vay Ngân hàng Nhà nước (qua kênh thị trường mở) hoặc nâng lãi suất huy động để có tiền phục vụ cho người dân.
Sau Tết, khi các nhu cầu chi tiêu tạm qua đi hoặc tiền từ túi người này được chuyển sang túi người khác, khoản tiền dư thừa sẽ được quay trở lại hệ thống và chứng khoán sẽ luôn là một kênh đầu tư dễ tham gia nhất khi thủ tục đơn giản và tính thanh khoản cao.
Giai đoạn Tết Nguyên đán cũng là thời kỳ tập trung cao điểm của kiều hối, tỷ giá thường xuyên giảm vào giai đoạn này cho thấy phần lớn kiều hối được dần chuyển sang tiền đồng và đây sẽ là một dòng tiền tiềm năng cho thị trường sau Tết.
Khi dòng tiền trở nên dồi dào hơn, thị trường chứng khoán sẽ có lý do để tăng điểm.
Thứ hai, đầu xuân năm mới cũng là khoảng thời gian tươi vui, là thời điểm thích hợp để mọi người nói những điều tốt đẹp với nhau. Chúng ta sẽ thường xuyên thấy các nhận định tích cực triển vọng về nền kinh tế của các chuyên gia cũng như những quyết tâm mạnh mẽ của các lãnh đạo trong việc thúc đẩy doanh nghiệp của mình.
Hơn thế nữa, những bí mật về chiến lược, mục tiêu của doanh nghiệp cũng có thể được hé lộ cùng với tâm lý phấn khởi và dòng tiền nhàn rỗi sẽ là những cơ sở để nhà đầu tư có thể giải ngân một phần tài sản của mình tham gia vào các kênh đầu tư thứ cấp và đặc biệt là thị trường chứng khoán.
2023 và những triển vọng rộng mở
Về triển vọng năm 2023, kịch bản cơ sở của Chứng khoán Tiên Phong (TPS) dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 1.150-1.210 điểm, tương ứng mức tăng trưởng thận trọng 5% cho cả năm.
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TPS kỳ vọng các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các ngân hàng trung ương thế giới nâng lãi suất với tốc độ chậm lại và nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ. Qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 10-15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến vùng 1.373-1.436.
TPS đánh giá nhìn xa hơn, động lực hỗ trợ thị trường vẫn còn nguyên vẹn. Về điều kiện vĩ mô thế giới, lạm phát Mỹ có dấu hiệu tạo đỉnh giúp chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ nhẹ tay hơn. Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero-COVID sẽ giúp nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần hạ nhiệt lạm phát.
Ở trong nước, Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp được xem xét gia hạn một số quy định sẽ giúp thị trường có thời gian thích ứng và giảm rủi ro vỡ nợ TPDN. Chính sách nới room tín dụng và hỗ trợ thị trường bất động sản sẽ cung cấp thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường bất động sản, giúp vực dậy thị trường sau giai đoạn biến động trước đó.
Chứng khoán VNDirect nhận định, Trung Quốc dự kiến mở cửa nền kinh tế trong quý 2/2023, khi đó sẽ có tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, hàng không, xuất khẩu (nông sản, thủy sản, sợi, thép, xi măng…).
Ngược lại, ngành phân bón có thể chịu tác động tiêu cực do gia tăng áp lực cạnh tranh. Trong ngắn hạn, cổ phiếu của các doanh nghiệp được hưởng lợi có thể diễn biến tích cực nhờ tâm lý nhà đầu tư được cải thiện. Tuy nhiên, các tác động trong thực tế và chuyển biến về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không đến ngay lập tức, mà có thể phải chờ đến nửa sau của năm 2023 mới bắt đầu phản ánh rõ nét.
Về các nhóm ngành và cổ phiếu được kỳ vọng cho năm 2023, Chứng khoán ACB cho rằng, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công là vật liệu (HPG, PLC); nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc thu hút FDI là bất động sản khu công nghiệp (GVR, PHR, SZC); nhóm tiêu dùng thiết yếu (VNM, PLX, POW) và công nghệ (FPT) cũng đáng quan tâm.
Hiệu ứng trước kỳ nghỉ lễ (The pre-holiday effect) là một thuật ngữ phổ biến được các nhà đầu tư sử dụng để mô tả sự bất thường và có tính chu kỳ của thị trường trước kỳ nghỉ lễ.
Thị trường chứng khoán có xu hướng giảm điểm trước một kỳ nghỉ dài và có xu hướng tăng mạnh vào ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ hoặc tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ đó.
Hiệu ứng này xuất hiện do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước một kỳ nghỉ dài, họ lo sợ rằng sẽ có thông tin bất lợi xuất hiện nên các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chốt lời hoặc hạ margin về ngưỡng an toàn. Và sẽ tham gia trở lại vào dịp sau kỳ nghỉ lễ nếu không có sự kiện bất lợi xảy ra.
Hầu như ở giai đoạn này chúng ta sẽ thấy thanh khoản (volume) thị trường khá thấp, biên độ (spread) biến động hẹp, tốc độ khớp lệnh cũng khá chậm.
Theo Hà Thảo (Kienthuc.net.vn)