Dù định mức dự toán chưa được phê duyệt song nhiều gói thầu khủng đã được triển khai thi công tại Dự án Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1.
Bên lề Hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam” ngày 10/11 do Bộ Công thương tổ chức, nhiều DN cơ khí bày tỏ băn khoăn về năng lực của Tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong việc thực hiện xây dựng Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.
Mặc dù dự án đã thi công từ vài tháng nay, nhưng khi hỏi về định mức dự toán, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) vẫn không biết. Phóng viên tiếp tục hỏi, không có định mức giá về thiết bị, gói thầu thì căn cứ vào đâu để thi công? Ông Sáng lại cho rằng, việc này là thẩm quyền của Tổng Công ty Lắp máy (Lilama).
PV đã trao đổi với ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng). Ông Khánh cho biết: Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Công thương phải có báo cáo đánh giá cụ thể về dự án. Hiện Bộ Công thương mới chỉ gửi sang kết quả, nhưng kết quả này lại chưa có căn cứ. Ông Khánh cũng cho biết, khi có đánh giá về kết quả còn phải áp dụng với quy định hiện hành và lúc đó mới đi đến thống nhất định mức sao cho phù hợp với thị trường.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng trả lời báo chí. Ảnh: Minh Đức |
Theo “Định mức dự toán chuyên ngành thiết kế chế tạo, thiết bị nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1” được Bộ Công thương ban hành tại QĐ số 2572/QĐ-BCT, có nội dung: “Tập định mức là cơ sở để lập đơn giá xây dựng cơ bản (XDCB) lập và phê duyệt dự toán chi phí, thanh quyết toán khối lượng thiết kế, chế tạo thiết bị hoàn thành của các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1”.
Thế nhưng, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí được PV tham khảo ý kiến thì nhiều hạng mục nguyên vật liệu của dự án được “kê” cao hơn nhiều lần so với giá giá thị trường. Theo những chuyên gia này thì vật liệu thép giá thị trường khoảng 50.000 đồng/kg, tuy nhiên, định mức giá đưa vào gói thầu theo Quyết định 2572, ngày 23/4/2013 của Bộ Công thương lên tới trên 1 triệu đồng/kg (?!).
Một điểm đáng chú ý khác, QĐ 2572 của Bộ Công thương được ban hành trên cơ sở đề nghị của Viện Nghiên cứu cơ khí Narime. Đây cũng là đơn vị đã được giao nhiều gói thầu, trong đó gói thầu chế tạo lên tới 6.000 tấn thiết bị, trị giá khoảng 330 tỉ đồng. Mặc dù Viện trưởng Narime đã khẳng định việc nhận được gói thầu tại dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 của Narime là thông qua chào thầu công khai, song nhiều DN cơ khí khác trong nước lại cho biết họ không nhận được thông tin về vụ mời thầu này.
Doanh nghiệp nước ngoài chiếm gần 80% dự án
Dự án nhiệt điện Sông hậu 1 đã thi công trong khi định mức giá chưa được phê duyệt. Ảnh: QT |
Theo tìm hiểu của PV, Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư (PVN); Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) làm Tổng thầu EPC. Ngày 10/4/2015, PVN đã ký hợp đồng EPC dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 với Lilama. Ngay sau đó, Lilama đã ký với Tập đoàn Doosan Hàn Quốc hợp đồng cung cấp thiết bị chính chiếm đến gần 80% dự án, trị giá trên 1 tỉ USD. Một đơn vị trong nước là Viện Narime nhận được một số gói thầu như tư vấn thiết kế, lọc bụi tĩnh điện… và gói thầu 6.000 tấn thiết bị, giá trị thực hiện khoảng 330 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo hồ sơ năng lực chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện của Narime số 694/TMT-NCCK trình Bộ Công thương ngày 7/8/2015 thì bộ phận sản xuất của Narime chỉ có 25 lao động gồm: 10 thợ hàn, 4 thợ gia công cơ khí, 10 thợ lắp đặt, 1 thợ điện; danh mục máy móc và trang thiết bị phục vụ sản xuất hiện có 13 máy công cụ thì 8 máy từ thời Liên Xô cũ.
Thế nhưng không hiểu sao, đơn vị trực thuộc Bộ Công thương này lại nhận được gói thầu “khủng” tại Dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1. Trong khí tại hội thảo “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam”, đại diện một số DN đã phải lên tiếng “van xin” để được giao việc.
Điển hình như ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) nói không cần xin hỗ trợ bất cứ điều gì, chỉ muốn xin được... giao việc. Tương tự, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung cho rằng, việc liên kết giữa các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cơ khí là rất yếu. Ông Cường nêu ví dụ, Lilama khi được giao làm Tổng thầu EPC lẽ ra cần công khai kêu gọi các DN hoạt động trong lĩnh vực cùng tham gia, có như vậy ngành cơ khí mới phát triển được. Đằng này, tới khi nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 khởi công, nhiều DN mới biết thì làm sao mà phát triển được.
Điều bất thường là ngày 25/9/2015, Bộ Công thương (trong Báo cáo Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện cơ chế thiết kế chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025) đã thừa nhận: “Định mức dự toán chuyên ngành thiết kế chế tạo, thiết bị nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và Quỳnh Lập 1” là chưa “hoàn thiện” theo Luật Xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp trong nước có năng lực lo công nhân thiếu việc làm do những gói thầu lớn rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Minh Đức |
Ngày 29/12/2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1791 phê duyệt thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025. Các DN trong nước sẽ đảm bảo tỷ lệ giá trị công tác tư vấn, thiết kế đạt 40% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1; 60% trở lên cho dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 và 80% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Về tỷ lệ chế tạo do các DN trong nước thực hiện không dưới 50% cho nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và sông Hậu 1; không dưới 70% cho dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. |
Theo Minh Đức (Tiền Phong)