Dự án này trước đó được Thủ tướng cho phép triển khai thí điểm và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cấp giấy phép từ năm 1999. Hanoi Tourist cũng chủ trì đàm phán với đối tác Anh từ năm 2005. Tuy nhiên, do diện tích đất 40ha tại huyện Thanh Trì không đáp ứng được mặt bằng cho dịch vụ này nên thành phố Hà Nội khi đó cho phép chuyển dự án đến địa điểm mới tại huyện Sóc Sơn, diện tích dự kiến là 1.200 ha. Đồng thời, dự án cũng được điều chỉnh thay đổi về đối tác đầu tư là Hàn Quốc và tổng vốn 500 triệu USD.
Đua ngựa và các dịch vụ liên quan là một ngành kinh doanh giải trí mang lại lợi nhuận cao ở nhiều nước. |
Đến năm 2007, công ty này đã có văn bản đề xuất xin UBND thành phố Hà Nội được nghiên cứu triển khai dự án. Tuy nhiên, do các quy định pháp lý về hoạt động cá cược đang trong quá trình xây dựng. Vì vậy, trên cơ sở báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, năm 2008, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng cho biết, dự án liên doanh xây dựng và vận hành đua ngựa nói trên sẽ được Chính phủ xem xét sau khi ban hành các quy định pháp lý cần thiết để điều chỉnh các hoạt động cá cược, xổ số thể thao.
Gần đây, sau nhiều năm "thai nghén" (từ 2006), dự thảo Nghị định kinh doanh về đặt cược bóng đá, đua ngựa, đua chó do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo sắp được hoàn thành để trình Chính phủ. Đây là cơ sở để hình thành khung pháp lý cho hoạt động này.
Đại diện Hanoi Tourist cho biết, sau lễ ký kết vừa qua, liên doanh sẽ có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội xin hướng dẫn các thủ tục triển khai dự án.
Gần đây, một dự án trường đua ngựa nữa tại Bình Dương của Công ty cổ phần Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò vôi) cũng chính thức được triển khai đầu tư. Trường đua Đại Nam được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 60-70 ha, sẽ bao gồm các làng đua ngựa trên đất nền, trên cỏ; đua chó, đua môtô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1,5km theo tiêu chuẩn quốc tế...
Theo Ngọc Tuyên (VnExpress.net)