3 năm khó “hồi vốn”
“Yen xuống thấp quá. Lương thì vẫn thế, trong khi mọi thứ đều tăng giá. Giờ làm một tháng cũng chỉ gửi về được 16 triệu đồng. Cứ đà này, khéo 3 năm mới chỉ xong nợ đi, gốc và lãi, không để ra được đồng nào”, anh Trần Nam, một người lao động Việt Nam ở Nhật chia sẻ.
Với mức lương tăng một lần qua một năm làm việc lên mức 990 yen/giờ, mỗi tháng sau khi trừ thuế, anh Nam trung bình còn 14 man (1 man = 10.000 yen), tương đương với khoảng 22 triệu đồng.
Sau khi trừ tiền ăn tiêu, mỗi tháng gửi về được cho gia đình nhiều nhất 16 triệu đồng. Đó là còn nhờ được hưởng giảm trừ thuế hàng tháng, mỗi tháng bớt gần 1 triệu đồng do chuyển tiền về theo con đường chính ngạch, qua SBI Remit của Nhật. Đây là số tiền chuyển về rất thấp so với kỳ vọng trước khi sang Nhật.
Trước đó, theo các thông tin từ nhà môi giới, mỗi lao động đi Nhật sẽ gửi về nhà từ 20-30 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể hơn nếu làm thêm.
“Ngày đó, Yen Nhật đổi được 220 đồng Việt Nam, nhưng giờ chỉ còn 161 đồng. Đợt mới sang cách đây một năm, Yen Nhật còn ở mức 178-180 đồng/Yen, giờ đang giảm tiếp. Làm thêm ngoài cũng không được do bất hợp pháp. Giờ giấc làm chính cũng không cố định”, anh Nam nói.
Thực tế, Yen Nhật được Vietcombank mua vào cuối giờ chiều 3/7 chỉ còn 160 đồng/Yen Nhật. Đây là mức thấp nhất kể từ khoảng tháng 11/2022.
Thu nhập không được cải thiện, giá cả hàng hóa, thực phẩm tăng khiến cho cơ hội “thu hồi vốn” nhanh của nhiều người lao động Việt sang Nhật làm việc trở nên khó khăn.
Chi phí ban đầu cao
Theo lý thuyết, chi phí sang Nhật lao động so với các thị trường khác không nhiều, chỉ gồm một số loại như: khám sức khỏe, đào tạo, môi giới một ít, hồ sơ, visa, giấy tờ, vé máy bay. Tuy nhiên, tổng chi phí thực tế không hề nhỏ.
Cụ thể, chi phí cho mỗi suất đi khoảng 6.000-8.000 USD tùy theo công ty và tùy theo “đơn hàng” mà người lao động sang bên Nhật làm gì, chưa tính chi phí ăn ở, đi lại trong quá trình học tiếng, học nghề và chờ đợi để có đợt bay.
Như trong trường hợp anh Trần Nam, gia đình phải chờ 2 năm do dịch bệnh và tổng chi phí để có thể sang Nhật làm việc lên tới 300 triệu đồng.
Theo một nghiên cứu gần đây của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), người lao động Việt Nam phải trả đến 8.000 USD (gần 200 triệu đồng) để được tuyển dụng một công việc đầu tiên của họ ở Nhật Bản.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia lý giải là do nhiều khoản tiền phát sinh như tiền thế chấp, tiền bảo lãnh, tiền giáo dục định hướng… và chi phí cho người môi giới cao. Theo quy định, người lao động chỉ phải trả tối đa 1 tháng lương theo hợp đồng cho 1 năm làm việc, tối đa không quá 3 tháng lương và được trừ đi phần phí quản lý, phí dịch vụ do bên tiếp nhận chi trả.
Tuy nhiên, số tiền người Việt muốn sang Nhật lao động vẫn khá cao. Nhiều người sang Nhật lao động cho biết, chi phí đều 200-300 triệu đồng.
Mặc dù chi phí cao nhưng số người lao động Việt sang thị trường Nhật chiếm tỷ lệ rất cao, xấp xỉ 50% trong tổng số các thị trường nước ngoài.
Lao động Việt thêm khó khăn
Không chỉ chi phí để đi lao động ở Nhật cao, việc Yen liên tục giảm giá trong những năm gần đây khiến thu nhập của người Việt quy VND ngày càng thấp, khiến việc thu hồi vốn ban đầu chậm.
Theo anh Nam, kỳ hạn cho một lần đi là 3 năm. Với thu nhập gửi về như hiện tại thì cả kỳ cũng chỉ trả xong nợ đi, không có dư đồng nào. Do vậy, nhiều khả năng anh Nam sẽ xin gia hạn thêm 2 năm, tiếp tục làm cho công ty hiện tại, hoặc sang công ty khác và có thể ở lại làm thêm 5 năm.
Dù vậy, với thu nhập như hiện nay, thì khó có thể dành dụm được một món lớn sau khi về nước. Bên cạnh đó, nhiều người lao động khá mông lung về tương lai khi trở về Việt Nam sẽ làm gì tiếp.
Sau khi tăng trở lại hồi đầu năm, Yen Nhật gần đây lại giảm mạnh so với USD và VND.
Tính tới 17h ngày 3/7 (giờ Việt Nam), đồng Yen Nhật đã xuống mức 144,6 yen/USD. Đây là mức giá yen thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022.
Trước đó, trong năm 2022, Yen Nhật tụt giảm kinh hoàng. Đồng tiền này lao dốc từ mức 115 Yen đổi 1 USD hồi đầu năm (2022) xuống mức 150 Yen/USD vào hồi giữa tháng 10/2022, tương đương giảm khoảng 30%. Đây cũng là mức thấp nhất trong 33 năm so với USD.
Với VND, Yen Nhật cũng đã giảm khoảng 19%, so với mức 198 VND hồi đầu năm 2022, qua đó khiến người lao động Việt Nam tại Nhật thiệt thòi. Tỷ giá Yen/VND đang ở vùng thấp trong 14 năm, kể từ năm 2008.
Yen Nhật giảm giá mạnh trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước trên thế giới vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) tiếp tục đi ngược lại xu hướng thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới.
Ngày 16/6, BoJ quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức cực thấp, -0,1% và vẫn giữ quan điểm rằng sẽ cần có thời gian để đạt được mục tiêu lạm phát 2%. BoJ cũng tiếp tục dẫn dắt lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản ở quanh mức 0%.
Kể từ tháng 3/2022, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã có 10 lần tăng lãi suất, tổng mức tăng 500 điểm. Fed được dự báo sẽ có 2 lần tăng lãi suất nữa trong nửa cuối năm 2023.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)