Dòng tiền khỏe, chứng khoán bùng nổ
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến bùng nổ với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua, giữa bối cảnh Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công thông qua việc khởi công các dự án lớn và thúc đẩy giảm lãi suất.
Thông tin tích cực từ nền kinh tế Mỹ cũng tác động tốt lên thị trường tài chính trong nước và tạo ra kỳ vọng tươi sáng về dòng vốn nước ngoài trên thị trường chứng khoán.
Việc các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động cùng với những đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm cũng như khả năng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp… cũng giúp dòng tiền tìm đến nhiều cổ phiếu.
Trong tuần, thông tin nổi bật nhất chính là số liệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ, qua đó kéo đồng USD trên thị trường quốc tế giảm mạnh xuống đáy một năm và giúp giảm áp lực tỷ giá trên thị trường trong nước.
Hôm 14/7, lần đầu tiên trong hơn một năm qua, chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - rớt mạnh xuống dưới ngưỡng 100 điểm. Hồi đầu tháng 6, chỉ số DXY còn ở mức trên 104 điểm. So với đỉnh cao gần 115 điểm ghi nhận hồi cuối tháng 9/2022, đồng USD đã giảm khá nhiều, mất khoảng 13,5%.
Đồng USD giảm mạnh sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 6 đã được kiểm soát. Giá cả ổn định trở lại củng cố dự đoán Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt kéo dài từ tháng 3/2022. Nhiều khả năng Fed chỉ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay năm.
Trong nước, đồng USD hạ nhiệt nhanh chóng. Tỷ giá trung tâm giảm từ mức trên 23.805 đồng/USD hồi đầu tháng 7 xuống còn 23.720 đồng/USD hôm 15/7. Tỷ giá bán USD tại Hội sở Ngân hàng Nhà nước và tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng thương mại cũng giảm. Giá USD bán ra tại Vietcombank sáng 13/7 xuống còn 23.810 đồng/USD, so với mức 23.920 đồng/USD vài phiên trước đó.
Với những thông tin tích cực, trong tuần, chỉ số VN-Index tăng 5 phiên liên tiếp với tổng mức tăng 2,7% và dễ dàng vượt qua mốc 1.150 điểm.
Dòng tiền vốn “đang còn lưỡng lự trước đó” nhanh chóng gia nhập thị trường sau thông tin tích cực.
Giới đầu tư kỳ vọng, lạm phát tại Mỹ tháng 6/2023 giảm nhanh và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ chỉ còn một đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay (trước đó thị trường lo ngại Fed có thể còn 2-3 đợt tăng lãi suất nữa).
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS cho rằng, dòng tiền khỏe giúp thị trường duy trì đà tăng. Nhịp điều chỉnh diễn ra rất nhanh, đảo chiều từ sắc đỏ sang xanh ngay trong phiên giao dịch. Dòng tiền xoay tua quanh các nhóm cổ phiếu khác nhau tìm cơ hội cho thấy tâm lý thị trường khá tích cực.
Trong tuần, nhóm ngành tiêu dùng-bán lẻ là tâm điểm sau khi chính sách giảm thuế VAT 2% chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Cổ phiếu Thế Giới Di Động MWG trong tuần tăng 8,7%; Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ tăng 9,3%; Digital World DGW tăng 8,7%...
Ngành ngân hàng và bất động sản cũng diễn biến tích cực với BIDV (BID) tăng 5,5%; MBBank (MBB) tăng 4,9%; Vinhomes (VHM) tăng 4,4%; Nam Long (NLG) tăng 15,5%; Novaland (NVL) tăng 4,5%...
Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,9% lên mức 230,2 điểm và chỉ số Upcom-Index tăng 1,9% lên mức 86,3 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 21.832 tỷ đồng tăng 21,7% so với tuần trước.
Kinh tế triển vọng tích cực dài hạn, tiền vẫn vào chứng khoán
Dòng tiền vẫn có dấu hiệu vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đã không xấu như dự báo trước đó. Đã không có một cuộc khủng hoảng hay một đợt suy thoái nào rõ ràng. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang tốt hơn hầu hết các quốc gia khác và được dự báo hồi phục mạnh vào nửa cuối năm.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, VNDirect cho rằng, thị trường chứng khoán đã có một tuần tăng điểm “mạnh hơn kỳ vọng trước đó” nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ được công bố. Hiện thị trường đang nghiêng về kịch bản Fed tăng lãi suất “lần cuối” trong cuộc họp tháng 7 tới (ngày 25-26/7) và sau đó giữ nguyên lãi suất tại vùng đỉnh 5,25-5,5% cho đến cuối năm 2023.
Theo ông Hinh, kịch bản này có phần tích cực hơn so với trước đó khi nhiều chuyên gia cho rằng Fed có thể còn có nhiều hơn 1 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Diễn biến tích cực này đã cải thiện triển vọng của thị trường do giảm bớt một trong những rủi ro chính hiện nay là vấn đề tỷ giá.
Cũng theo chuyên gia VNDirect, bất chấp việc Fed vẫn đang duy trì lãi suất cao, chỉ số DXY đang có một nhịp giảm về dưới ngưỡng 100 điểm và giúp giảm bớt áp lực tỷ giá lên tiền đồng. Qua đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể yên tâm phần nào sau những biến động của tỷ giá trong nước trong những tuần gần đây.
Ông Hinh dự báo, tâm lý tích cực trên thị trường chứng khoán có thể duy trì trong tuần tới và chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng kháng cự mạnh 1.180-1.200 điểm (tương đương Fibonacci mức 1,618).
Gần đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận định cho rằng, kinh tế Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, được xem là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất. Và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.
Theo IMF, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đã giúp giảm nhẹ tác động của những cơn gió ngược như sự chững lại trên thị trường bất động sản, hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
IMF cho rằng, trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao khi các cải cách cơ cấu được thực thi.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc, ở mức 6,5% vào năm 2023 và 6,6% trong năm 2024.
Về triển vọng thị trường chứng khoán, nhiều chuyên gia dự báo dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào với kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế và sự hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp. Yếu tố chính sách tiền tệ nới lỏng cũng được cho là sẽ giúp thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên. Đại diện MBS cho rằng, VN-Index có thể tiến lên 1.200 điểm trong 2023 nếu lãi suất tiếp tục hạ nhiệt.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)