Tính tới 11h08, chỉ số VN-Index giảm gần 13 điểm (tương đương giảm 1,1%) xuống 1.197 điểm.
Tới cuối phiên sáng 22/9, VN-Index giảm 12,02 điểm xuống 1.198,53 điểm. HNX-Index giảm 1,23%; Upcom-Index giảm 0,57%.
Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 6/2022, VN-Index lại mất mốc 1.200 điểm.
Thanh khoản ở mức khá thấp với gần 5,1 nghìn tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên sàn HOSE trong buổi sáng.
Nhiều cổ phiếu giảm khá mạnh như: Nhà Khang Điền (KDH) giảm 1.200 đồng xuống 30.250 đồng/cp; Masan (MSN) giảm 2.100 đồng xuống 109.900 đồng/cp; Thế Giới Di Động (MWG) giảm 1.500 đồng xuống 68.500 đồng/cp; Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 1.500 đồng xuống 56.800 đồng/cp; Vingroup (VIC) giảm 1.400 đồng xuống 61.700 đồng/cp…
Áp lực bán cổ phiếu tăng ngay từ đầu giờ sáng với VN-Index giảm 6-8 điểm và giảm mạnh thêm vào gần cuối giờ sáng.
Cổ phiếu Việt đồng loạt giảm sau khi giới đầu tư đón nhận Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp và cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed sẽ không giảm lãi suất trước 2023 và mục tiêu lãi suất sẽ lên 4,6% (so với mức 3,25% hiện tại).
Dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường cổ phiếu và nhiều đồng tiền chủ chốt để chuyển sang đồng USD.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên 21/9 (rạng sáng 22/9 giờ Việt Nam). Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 500 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm hơn 10% trong tháng qua và lao dốc 21% so với mức đỉnh 52 tuần.
Nhiều đồng tiền trên thế giới đồng loạt phá đáy. Bảng Anh (GBP) xuống mức thấp nhất 4 thập kỷ và lần đầu kể từ 1985 xuống dưới mốc 1,13 USD/bảng. Euro mức thấp nhất so với USD trong 20 năm, 1 euro chỉ còn đổi được 0,98 USD. Đồng won của Hàn Quốc (KRW) xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ và lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1,4 won. Đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng xuống dưới ngưỡng quan trọng: 1 USD đổi 7 NDT. Còn đồng yen Nhật cũng sụt giảm lịch sử, xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua. Tính từ đầu năm tới nay, đồng yen Nhật đã giảm hơn 25%, từ mức 1 USD đổi 115,3 yen xuống mức mức 1 USD đổi 144,5 như hiện tại. Mức mất giá của yen Nhật đã vượt qua mức giảm lịch sử năm 1979 (khi đó yen mất giá 19,1%).
Yen Nhật và các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới giảm mạnh và xuống đáy trong hàng chục năm qua trong buổi sáng 22/9 (giờ Việt Nam) trong bối cảnh đồng USD tăng giá dữ dội và vẫn nằm trong xu hướng đi lên khi mà Fed áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và phát đi tín hiệu tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán gần đây rất thấp. Hôm 21/9, thanh khoản trên cả 3 sàn chỉ đạt 10,9 nghìn tỷ đồng (trong đó có 9,8 nghìn tỷ đồng trên HOSE), so với mức trung bình 26,3 nghìn tỷ đồng/phiên trong năm 2021.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Kiến Thiết CSI cho biết, thanh khoản sáng 22/9 thấp nhưng chưa hết phiên thì chưa nói được điều gì. Theo ông Kháng, nhiều khả năng VN-Index sẽ test mốc 1.992 điểm trong phiên.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc quỹ đầu tư IPA AM VNDirect cho rằng, Fed là nguyên nhân khiến thanh khoản toàn cầu tụt nặng. Các loại tài sản đều chịu áp lực từ Fed. Và tình hình sẽ thay đổi khi Fed đảo ngược chính sách.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) cho biết, thị trường đang chịu áp lực từ các quyết định của Fed. Tuy nhiên, thanh khoản suy giảm cũng đồng nghĩa với việc áp lực bán ra không còn lớn, margin ít. Thị trường có thể sẽ biến động quanh ngưỡng 1.200 điểm, xuống vùng 1.180-1.200 điểm có thể hồi.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)