Lãi suất ở vùng đáy, dòng tiền chuyển hướng
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31-3-2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cuối 2022 và đầu năm 2023 thì lãi suất đã có sự biến động rất mạnh, đặc biệt ở các kỳ hạn trung và dài hạn.
Còn nhớ hơn 1 năm trước, khách hàng gửi tiền hoặc mua chứng chỉ tiền gửi chỉ cần từ 6 tháng trở lên đã có thể hưởng lãi suất thậm chí lên đến 9 - 11%/năm. Những khoản này vừa hay đến kỳ đáo hạn vào khoảng cuối 2023, đầu 2024. Nhưng lúc này, lãi suất cùng kỳ hạn so với 1 năm trước chỉ còn khoảng một nửa. Khách hàng gửi kỳ hạn 12 - 36 tháng, hoặc hơn, cũng chỉ được hưởng lãi suất khoảng từ 4,7 - 6%/năm. Điều này dễ dàng lý giải vì sao dòng tiền dần rời bỏ ngân hàng tìm đến các kênh khác.
Theo cập nhật mới nhất của NHNN về số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 1-2024 tiền gửi của cả khách hàng doanh nghiệp và dân cư đều giảm mạnh trong tháng đầu năm. Cụ thể, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống ngân hàng cuối tháng 1 đạt hơn 13,17 triệu tỷ đồng, giảm gần 200 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 1-2024 là hơn 6,67 triệu tỷ đồng, giảm hơn 165.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, tương đương giảm 2,41%. Tương tự, tiền gửi của dân cư cũng giảm hơn 34.600 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2024, xuống mức gần 6,5 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là tháng đầu tiên tiền gửi dân cư quay đầu sụt giảm, sau khi đã liên tục tăng trưởng 25 tháng liên tiếp trước đó.
Lãi suất sẽ sớm quay đầu
Việc lãi suất giảm sâu trong những tháng vừa qua là do ngân hàng không thể đẩy vốn do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng âm trong hầu hết quý I-2024 và chỉ nhích tăng trở lại trong khoảng 1 tháng trở lại đây với con số tăng trưởng tính đến cuối quý I so với cuối năm 2023 chỉ đạt 1,34%. Nhiều ngân hàng trước đó đã than vãn về tình trạng khách hàng gửi tiền nhiều nhưng ngân hàng lại không thể tìm được khách vay.
Những ngày gần đây, cùng với sự phục hồi của tín dụng, trong khi nhiều khoản tiền tiết kiệm đáo hạn không ở lại ngân hàng, thì một số nhà băng đã buộc phải tăng lãi suất huy động trở lại, dù mức tăng là không đáng kể. Kể từ đầu tháng 4 tới nay đã có khoảng gần 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động, trong đó có nhiều ngân hàng lớn, thậm chí trong nhóm Big4, như: BIDV, VietinBank, ACB, VPBank, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, KienLongBank, BacA BBank, GPBank…
Điều này cho thấy, lãi suất huy động có thể đã chạm đáy và đang bắt đầu xoay chiều khi thanh khoản nhiều ngân hàng đã eo hẹp hơn. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, lãi suất huy động thời gian tới khó có thể giảm thêm. “Chúng tôi cho rằng, lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm” - ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MB nhận định.
Tương tự, ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank cũng cho rằng lãi suất huy động hiện nay đã ở vùng đáy. “Lãi suất huy động chỉ giảm được ở mức độ nào đó, giảm quá thì khách hàng không gửi tiền. Hiện nay lãi suất đã ở đáy và hiếm khi nào thấp như vậy” - ông Đỗ Minh Phú nói.
Còn theo ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường thuộc quỹ VinaCapital, lãi suất tiền gửi ở Việt Nam vốn đã giảm kể từ đầu năm 2023 sẽ tăng trở lại khoảng 50-100 điểm cơ bản vào cuối năm nay. Mức tăng đó dường như sẽ không gây tác động lớn đến thị trường chứng khoán, nhưng VinaCapital kỳ vọng người mua bất động sản sẽ quyết định nhanh chóng để tranh thủ lãi suất mua nhà thấp ở mức hiện tại, tiếp thêm động lực cho sự phục hồi bất động sản còn non trẻ tại Việt Nam.
Dòng tiền đi đâu?
Lý giải về việc nhiều khoản tiền gửi có xu hướng rời bỏ ngân hàng, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là điều dễ hiểu khi lãi suất huy động thấp kỷ lục, trong khi nhiều kênh đầu tư khác như vàng, ngoại hối “nổi sóng” thời gian gần đây, cùng với đó chứng khoán, bất động sản cũng nhúc nhích phục hồi.
Dẫn con số tổng tiền gửi hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 3-2024 là 13,4 triệu tỷ đồng, giảm 0,76% so đầu năm, TS Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, dòng tiền đã dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Trong đó, riêng đối với vàng trong quý I giá đã tăng 23%, do đó chỉ cần nắm vàng từ đầu năm đã lãi 23%. Cùng với đó, tiền vào chứng khoán cũng tăng cao, dòng tiền trong nước cân toàn bộ lượng bán ròng của khối ngoại. Số lượng tài khoản mở mới tăng, giao dịch bình quân trung bình 27.000 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, tiền vào thị trường bất động sản cũng có sự phục hồi đáng kể với hàng loạt yếu tố tích cực.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay tỷ lệ lạm phát 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang quá thấp, nhiều kỳ hạn hiện nay đang thực âm, sẽ khiến người dân bỏ qua kênh tiền gửi ngân hàng mà tìm đến các kênh đầu tư khác.
Đánh giá rộng hơn, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho biết, hiện có 2 dòng tiền gồm dòng tiền sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và dòng tiền đầu tư (chủ yếu đầu tư bất động sản và chứng khoán). Tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm nhưng đã phục hồi vào tháng 3 và 4 cho thấy dòng tiền từ ngân hàng đã chảy vào doanh nghiệp, đầu tiên là xuất khẩu, sau đó đến tiêu dùng và vào khu vực người dân khi họ tăng việc làm, tăng thu nhập và tăng tiêu dùng. Do đó, ông dự đoán dòng tiền sản xuất, tiêu dùng sẽ mạnh lên rõ rệt vào quý III.
Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp bất động sản phải xử lý vấn đề nợ trái phiếu đến hạn khoảng 382.000 tỷ đồng trong năm 2024, do đó phần nào sẽ cản trở dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Dòng tiền sẽ còn khó khăn trong quý I và II khi doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng, tiêu dùng hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản. Kể từ quý III, dòng tiền dần cải thiện hơn nhờ xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng; đầu tư công và cung tiền của chính phủ cải thiện tạo dòng tiền mới; niềm tin tiêu dùng dần phục hồi giúp thương mại dịch vụ tăng. “Tôi cho rằng dòng tiền sản xuất kinh doanh sẽ có triển vọng rất tốt vào quý III và IV. Dòng tiền đầu tư bất động sản không thể đạt được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhưng dòng tiền đầu tư chứng khoán sẽ có sự tích cực vào cuối quý II. Đặc biệt, tháng 5 và 6 chúng ta sẽ thấy có một dòng tiền trở vào lại thị trường chứng khoán, thể hiện đi trước một bước của thị trường khi phản ánh bức tranh nền kinh tế” - TS Đinh Thế Hiển nhận định.
Theo Nhật Linh (An Ninh Thủ Đô)