Đồng rúp lao dốc, người giàu Nga quay sang đồng hồ, trang sức để giữ tiền

03/03/2022 11:16:28

Khi Mỹ và các đồng minh áp hàng loạt lệnh trừng phạt với Nga, khiến đồng rúp lao dốc và thị trường chứng khoán phải đóng cửa, giới nhà giàu Nga đang chuyển sang cách khác để giữ giá trị tài sản.

Khi các biện pháp trừng phạt khiến việc chuyển tiền trở nên khó khăn, doanh số của Bulgari SpA từ các đại lý ở Nga tăng cao trong mấy ngày qua, tổng giám đốc điều hành thương hiệu trang sức của Ý cho biết.

“Trong ngắn hạn, điều này có thể thúc đẩy công việc làm ăn của chúng tôi”, ông Jean-Christophe Babin nói với Bloomberg. Ông cho rằng mua trang sức của Bulgari là “đầu tư an toàn”.

“Rất khó để khẳng định điều đó sẽ kéo dài bao lâu, vì thực sự nếu các biện pháp ngắt khỏi SWIFT được thực hiện đầy đủ, sẽ rất khó, nếu không nói là không thể xuất khẩu sang Nga”, ông Babin nói về việc phương Tây loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế.

Đồng rúp lao dốc, người giàu Nga quay sang đồng hồ, trang sức để giữ tiền
Trong một cửa hàng của thương hiệu thời trang cao cấp Bvlgari. (Ảnh: Bloomberg)

Khi các thương hiệu hàng tiêu dùng như Apple và Nike đến những tập đoàn năng lượng như BP, Shell và ExxonMobil đều đã và đang rút khỏi Nga, một số thương hiệu hàng xa xỉ lớn nhất châu Âu đến nay vẫn cố gắng bám trụ ở thị trường này.

Bulgary, thuộc sở hữu của tập đoàn thời trang LVMH SE, không phải trường hợp duy nhất. Cartier của Richemont vẫn tiếp tục bán trang sức và đồng hồ, đồng hồ của Omega của Swatch Group và Rolex vẫn được bày bán nhiều ở Nga.

“Chúng tôi ở đây vì người dân Nga, không phải vì chính trị. Chúng tôi làm ăn ở nhiều nước khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn bất ổn và căng thẳng”, ông Babin nói.

Giống như vàng, đồng hồ cao cấp và trang sức cũng có thể đóng vai trò tích trữ tài sản trong giai đoạn lạm phát. Vì thế, giá đồng hồ cao cấp và trang sức vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng hơn trong những giai đoạn bất ổn kinh tế do chiến tranh và xung đột.

Những chiếc đồng hồ được yêu thích có thể mua đi bán lại nhiều lần trên thị trường thứ cấp với giá cao gấp 3 – 4 lần ban đầu. Tuy nhiên, tác động của chiến dịch quân sự do Nga tiến hành ở Ukraine lên giá trị của các thương hiệu cao cấp nguy cơ trở thành một vấn đề trong quan hệ công chúng.

“Đúng là các thương hiệu cao cấp có thể quyết định không phục vụ thị trường Nga. Nếu không, hình ảnh của họ có thể bị ảnh hưởng ở các thị trường khác”, nhà phân tích Luca Sola của hãng Bernstein nói với Bloomberg.

Doanh số ở thị trường Nga và cho người Nga ở nước ngoài chiếm chưa đến 2% tổng doanh thu của LVMH và Swatch Group, và gần 3% của Richemont, theo báo cáo mà Edouard Aubin và các đồng nghiệp tại Morgan Stanley công bố trong tuần này.

Điều đó một phần do khoảng cách thu nhập ở Nga, với một nhóm nhỏ các tỷ phú sống cao hơn rất nhiều mức trung bình của dân thường. Lương trung bình ở Mátxcơva là khoảng 113.000 rúp (1.350 USD) và thấp hơn nhiều ở các vùng nông thôn.

Phát ngôn viên của Swatch Group cho biết công ty này đang theo dõi sát tình hình ở Nga và Ukraine nhưng từ chối cho biết cụ thể. Phát ngôn viên của Richemont, Rolex, Hermes, LVMH và Kering SA từ chối bình luận về hoạt động kinh doanh ở Nga.

Áp lực lên các thương hiệu lớn đang tăng lên. Tạp chí Business of Fashion được tập đoàn LVMH hỗ trợ đang kêu gọi các nhà bán lẻ đóng cửa hàng ở Nga và không chuyển hàng đặt trực tuyến. Trong bài xã luận, Tổng biên tập Imran Amed cho rằng bước đi này “mang giá trị biểu tượng” để thể hiện quan điểm về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Theo Bình Giang (Tiền Phong)