Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 373,7 triệu USD, so với nửa đầu tháng 8/2020 giảm tới 29,93%. Cộng dồn từ 1/1 - 18/8 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 9,95 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 48,47%.
Thị trường khả quan, trong nước đình trệ
Do tác động của dịch bệnh COVID-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa đầu tháng 8 đã đứt gãy sâu như trên. Trước đó, từ tháng 7, ngành gỗ đã có dấu hiệu giảm tốc.
Tháng 7, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 1,33 tỷ USD, giảm 14,4% so với tháng 6/2021; trị giá xuất khẩu giảm sâu ở hầu hết các thị trường.
Cụ thể, tại Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu trong tháng 7 giảm 20,3% so với tháng 6/2021; thị trường Trung Quốc giảm 23,4%; EU giảm 19,7%… Điểm đáng lưu ý là số lượng các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu cũng giảm 5,33%. Cụ thể, số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong tháng 7 là 2.006 doanh nghiệp, giảm 113 doanh nghiệp so với tháng 6/2021.
Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2021 bắt đầu giảm tốc so với tháng trước do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trong nước và các quốc gia châu Á, khiến các doanh nghiệp ngành gỗ phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ sản xuất, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn.
Triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm rất khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và các quốc gia EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19, vì vậy nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sẽ tăng cao đáp ứng cho nhu cầu xây dựng tăng mạnh tại các thị trường này.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến khó lường, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp bị đình trệ. Điều này sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới.
Trong tháng 7, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường chính giảm tốc so với tháng trước đó, nhưng tính chung trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường chính vẫn tăng mạnh. Cộng dồn 7 tháng đạt 9,57 tỷ USD, tăng trưởng 54,8% so với cùng kỳ năm 2020, và những thị trường lớn đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu tốt.
Cụ thể: 7 tháng đầu năm xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ thị trường Hoa Kỳ đạt 5,89 tỷ USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Trung Quốc trong 7 tháng đạt 923,5 triệu USD, tăng 24,8%. Tương tự, sang thị trường Nhật Bản đạt 834,71 triệu USD, tăng 18,7%; sang thị trường Hàn Quốc đạt 534,5 triệu USD, tăng 17% và sang thị trường Anh đạt 174,4 triệu USD, tăng 49,4%…
Tuy nhiên, khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề, khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh.
Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) và Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) đã làm một khảo sát nhanh tại Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và thực hiện đối với 265 doanh nghiệp thành viên cho thấy các doanh nghiệp ngành gỗ bị ảnh hưởng nặng nề, đến hết ngày 18/8/2021, có 142/265 doanh nghiệp dừng sản xuất (chiếm 54%), và 123/265 doanh nghiệp giảm công suất do áp dụng “3 tại chỗ” (chiếm 46%). Tổng số lao động còn làm việc trong 265 doanh nghiệp là 15.113 người (chiếm 13%).
Theo chuyên gia, việc dừng hoặc giảm sản xuất, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy là những biện pháp ứng phó hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng. Từ đó dẫn đến làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm suy giảm đơn hàng và sụt giảm kim ngạch xuất khẩu. Tình hình này chỉ giảm bớt khi doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại.
Tin vui từ thị trường Hoa Kỳ
Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỡ lớn nhất của Việt Nam. Năm 2020 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang đây chiếm 57,92% tổng kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này của cả nước; 7 tháng đầu năm 2021 chiếm tới 61,52%.
Mới đây, Bộ Thương mại Hòa Kỳ (DOC) đã thông báo gia hạn thời gian điều tra vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán cứng từ Việt Nam.
Theo đó, DOC dự kiến sẽ ban hành kết luận điều tra vào ngày 24/11/2021 thay vì là ngày ngày 24/8/2021 như thông báo trước đó đối với nội dung điều tra về phạm vi sản phẩm, và ngày 20/4/2022 đối với nội dung điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Đây là lần thứ hai DOC gia hạn thời gian điều tra vụ việc. Trước đó, ngày 11/3/2021, DOC đã gia hạn thời gian ban hành kết luận điều tra.
Ngày 17/6/2020, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán cứng của Việt Nam. Trong vụ việc này, DOC điều tra hai nội dung cụ thể:
Thứ nhất, điều tra về phạm vi sản phẩm (scope inquiry): để xác định gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam vào Hoa Kỳ có thuộc phạm vi sản phẩm bị áp thuế hay không, DOC sẽ xem xét 5 yếu tố trong quá trình sản xuất gỗ dán cứng của các nhà xuất khẩu, bao gồm: (i) mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; (ii) mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm; (iii) quá trình sản xuất tại Việt Nam; (iv) quy mô của các cơ sở sản xuất tại Việt Nam; và (v) phần giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở Việt Nam.
Thứ hai, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (anticircumvention): Mục tiêu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ là để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với gỗ dán cứng của Trung Quốc.
Do đó, trong trường hợp các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam chứng minh được không lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc thì sẽ không bị áp dụng thuế chống lẩn tránh.
Theo Nguyễn Huyền (Nhịp Sống Doanh Nghiệp)