Chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), giảm 0,3% xuống 91,858 điểm.
Chỉ số WSJ U.S. Dollar, đo lường sức mạnh đồng USD với 1 rổ gồm 16 đồng tiền khác, giảm 0,2% xuống 85,62 điểm.
Tuy lùi so với đỉnh trong phiên tại 1,2090 USD – mức cao nhất kể từ 1/1/2015, đồng euro vẫn giao dịch ở mức 1,2072 USD, cao hơn mức 1,2014 cuối phiên thứ Tư tại thị trường New York. Sau 3 tháng rưỡi, đồng euro mới trở về ngưỡng 1,20 USD.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng giá lên 1,3556 USD so với 1,3516 USD hôm thứ Tư, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn tăng giá so với đồng yên Nhật lên 112,76 yên từ mức 112,51 yên hôm thứ Tư nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng.
Đồng euro tăng giá nhờ chỉ số nhà quản trị mua ngành ngành dịch vụ trong tháng 12 tại khu vực Eurozone đạt mức cao hơn dự báo tại 56,6 điểm, so với 56,2 điểm của tháng 11. Chỉ số PMI cũng tăng lên 58,1 điểm trong tháng 12 so với 57,5 điểm trong tháng 11.
Đồng USD vẫn giảm giá bất chấp số liệu việc làm tích cực tại Mỹ. Số việc làm mới trong lĩnh vực tư nhân ở Mỹ đạt 250.000 trong tháng 12, cao hơn dự báo, theo số liệu của ADP.
Từ số liệu việc làm do ADP công bố, có thể dự báo số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp, sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/1, sẽ đạt 210.000 trong tháng 12, theo Paul Ashworth, kinh tế gia trưởng tại Mỹ thuộc Capital Economics.
Lý giải việc chỉ số USD giảm điểm, Naeem Aslam, chuyên gia phân tích tại Think Markets, cho rằng biên bản cuộc họp của Fed tháng trước cho thấy cơ quan này không vội vàng trong việc tăng lãi suất.
“Thông điệp chính của biên bản ra ngày 3/1 là Fed sẽ tăng lãi suất từ từ, và điều này khiến nhà đầu tư đẩy lợi suất trái phiếu tăng”, Aslam nói thêm.
Theo Minh Anh (Bizlive.vn)