Đóng BHXH tự nguyện thời điểm nào được nghỉ hưu sớm?

03/05/2024 06:35:32

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước năm 2021 có thể nghỉ hưu sớm hơn từ 2 - 5 năm. Đây là nội dung được quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi mới nhất.

Cụ thể, theo dự thảo Luật BHXH sửa đổi, người tham gia BHXH tự nguyện trước 1/1/2021 đã đóng 20 năm được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ.

Như vậy, so với Luật Lao động năm 2019 về quy định tăng tuổi nghỉ hưu, những người này cũng về hưu sớm hơn 2-5 năm so với người tham gia sau ngày 1/1/2021.

Cụ thể, người lao động trong điều kiện bình thường tăng từ 60 lên 62 tuổi với nam và từ 55 lên 60 tuổi với nữ. So với quy định hiện hành, người lao động sẽ được lợi hơn khi không bị trừ tỷ lệ 2% do nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định của Luật Lao động, từ năm 2018, tỷ lệ được hưởng lương hưu được điều chỉnh tối đa là 75%. Thời gian đóng BHXH ở nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm và nam là từ 30 năm lên 35 năm. Trường hợp nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì bị giảm trừ tỷ lệ % do nghỉ hưu trước tuổi (trừ 2%/năm nghỉ hưu trước tuổi). 

Đóng BHXH tự nguyện thời điểm nào được nghỉ hưu sớm?
Người lao động tham gia BHXH tự nguyện trước 1/1/2021 đã đóng 20 năm được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ (Ảnh: Thạch Thảo)

Theo báo cáo đánh giá tác động, ban soạn thảo nêu rõ các quy định mới trong dự thảo nhằm bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội của người dân, sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập thực tế, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời mở rộng quyền, lợi ích, hấp dẫn người tham gia BHXH.

Bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện

Hiện nay, chính sách BHXH tự nguyện gồm 2 chế độ là hưu trí và tử tuất theo quy định của Luật BHXH, và chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Để có cơ sở đề xuất từng bước mở rộng BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã tiến hành nghiên cứu Đề án về gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt, trong đó có chế độ ốm đau, thai sản và chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em.

Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện về đặc điểm, tính chất của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, khả năng quản lý rủi ro, tránh trục lợi, đặc biệt là tính khả thi trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã lựa chọn bổ sung chế độ thai sản trong chính sách BHXH tự nguyện.

Một lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho hay, qua khảo sát thực tiễn, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện chưa cao, trong đó chủ yếu là do chính sách BHXH thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. 

Do vậy, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con. 

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành. 

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách này, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia.  

Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng, hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hàng tháng theo quy định của Chính phủ.

Theo Vũ Điệp (VietNamNet)

Nổi bật