Mới đây, nhiều người bất ngờ trước thông tin hàng loạt cửa hàng Bách Hóa Xanh (BHX), thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) treo biển xả kho, đóng cửa. Trong đó, có khá nhiều cửa hàng BHX chỉ mới khai trương cuối năm 2021. Các cửa hàng dừng hoạt động nằm chủ yếu trong chuối BHX tại TP.HCM.
Tính đến tháng 4/2022, BHX có 2.140 cửa hàng. Tuy nhiên, tính đến tối 12/7, theo thông tin trên website, chuỗi siêu thị - bách hoá này chỉ còn sở hữu 1.952 điểm bán, tức giảm 188 cửa hàng.
Cũng thông tin trên website bachhoaxanh.com vào tối ngày 13/7, chỉ sau 1 ngày, số lượng cửa hàng được thông báo chỉ còn 1824 cửa hàng, giảm 316 cửa hàng.
Động thái đóng cửa này nằm trong lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành cho Bách Hoá Xanh, được MWG đưa ra trong báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022.
Nhìn lại quá trình hoạt động của chuỗi BHX được MWG ra mắt từ năm 2015 nhưng phải đến năm 2020-2021 mới thực sự chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ, nhờ hưởng lợi từ đại dịch Covid.
Năm 2020, có 700 cửa hàng được mở, trung bình mỗi tháng có 58 cửa hàng. Kết thúc năm 2021, BHX sở hữu hơn 2.000 điểm bán. Gi nhận có thời điểm như tháng 5/2020, có tới 131 cửa hàng, tháng 6/2020 mở 121 cửa hàng. Đến tháng 5/2021, chuỗi này tăng gấp 3,3 lần số cửa hàng so với 5/2019.
Thông tin hàng trăm cửa hàng BHX đóng cửa chưa nguội, mới đây, thông tin về đại gia bán lẻ MWG lại dừng hoạt động 2 hệ thống liên quan đến các thương hiệu là AVAFashion và AVAJi. Hiện, thương hiệu AVAJi chỉ còn bán duy nhất đồng hồ.
Trên Internet, hệ thống website bán hàng của thương hiệu AVAFashion ngừng hoạt động kể từ ngày 29/6, đồng thời người dùng truy cập sẽ được chuyển hướng sang trang của thương hiệu đồ thể thao AVASport.
Trước đó, hồi tháng 1, MWG đã rầm rộ mở 5 hệ thống mang thương hiệu AVA, bao gồm AVAFashion (chuyên đồ thời trang), AVASport (đồ thể thao chính hãng), AVAKids (sản phẩm cho mẹ và bé), AVAJi (đồng hồ, trang sức, mắt kính) và AVACycle (xe đạp).
Mới đây, Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) cũng chính thức lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ phụ kiện công nghệ. Các sản phẩm khá phổ biến, dễ nhận thấy gồm sạc dự phòng, ốp lưng, cáp sạc, tai nghe, loa, chuột và bàn phím... mà trước đây, hệ thống này chỉ bán kèm với smartphone và thiết bị điện tử.
MWG là doanh nghiệp đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ phụ kiện với quy mô chuỗi cửa hàng, vốn trước kia chỉ dành cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ có tính chất tự phát.
Tuy số lượng cửa hàng bán phụ kiện chưa có thống kê cụ thể, nhưng “chương trình bán hàng giá rẻ, nhằm gom khách vỉa hè” mới ra mắt chưa lâu thì hàng loạt các thương hiệu ở phân khúc cao hơn đồng loạt ngừng hoạt động, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về tính hiệu quả trong thời gian bùng nổ nhanh trong các cửa hàng BHX và một số thương hiệu khác thuộc sở hữu của MWG quản lý.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, cổ phiếu MWG do đại gia Nguyễn Đức Tài làm chủ tịch ghi nhận giảm 1.100 đồng/cp, tương đương giảm 1,8% còn 61.500 đồng/cp, đây cũng là phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Không những vậy, kể từ đầu tháng 7, cổ phiếu MWG giảm 10.000 đồng/cp, tương đương mức giảm 14%.
Việc thị giá cổ phiếu MWG trên thị trường chứng khoán lao dốc trong một thời gian ngắn, cùng với hàng loạt các trường trình tinh giản hệ thống trong thời gian qua, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Việc cổ phiếu MWG mất giảm trong nửa tháng qua, khiến tài sản của ông Nguyễn Đức Tài cũng bay mất hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Tài đang trực tiếp và gián tiếp sở hữu hơn 187,5 triệu cổ phiếu MWG, tính riêng phiên ngày 15/7, tài sản của chủ tịch MWG giảm đi 206 tỷ đồng và giảm 1.875 tỷ đồng tính từ đầu tháng 7 đến nay.
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 15/7, khối tài sản ông Nguyễn Đức Tài đang nắm giữ có giá trị hơn 11.534 tỷ đồng.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)