Theo BBC đưa tin, sau cuộc họp ngày 16/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã quyết định điều chỉnh mức lãi suất cơ bản của hệ thống ngân hàng lên mức 0,25%-0,5% thay vì 0%-0,25% như trước đây. Sự thay đổi này đã làm "xáo trộn" thị trường tài chính toàn cầu.
Động thái tăng lãi suất đã gây sức ép khiến Vương quốc Anh cũng nâng mức lãi suất. Bên cạnh đó, quyết định này của Fed cũng khiến nhiều "con nợ" của Mỹ vốn là các nước đang phát triển chao đảo do lãi suất cao dẫn tới giá USD tăng so với đồng nội tệ. Thị trường tài chính Châu Âu cũng 'chịu rất nhiều tổn thất' với mức lãi suất mới này của Mỹ
Quyết định này cho thấy kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc, vượt qua thời kỳ suy thoái.
Kể từ đầu tháng, để "đón đầu" sự thay đổi này, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã giảm mức lãi suất tiền gửi từ -0.2% xuống -0.3% cùng lúc đó mở rộng gói kích thích kinh tế lên tới 60 tỉ Euro. Anh cũng cho ra quyết định giữ nguyên mức lãi suất 0,5% đến cuối năm 2016.
Động thái tăng lãi suất của FED khép lại kỷ nguyên lãi suất siêu thấp chưa từng có tiền lệ của đồng USD. Lãi suất 0% là một phần trong chính sách bất thường và gây tranh cãi của FED nhằm kích cầu nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính.
FED đã hạ lãi suất cơ bản đồng USD về khoảng 0-0,25% vào tháng 12/2008, tức 3 tháng sau vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers và 10 tháng trước khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đạt đỉnh ở 10%.
Phản ứng sau quyết định tăng lãi suất của FED, chỉ số Standard & Poor’s 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall chốt phiên tăng 1,5%, đánh dấu ngày tăng đầu tiên sau 3 ngày giảm liên tiếp.
Tỷ giá đồng USD vào cuối ngày tăng 0,3% so với đồng Euro, đạt mức hơn 1,09 USD đổi 1 Euro.
Theo Minh Minh (Tiền Phong)