Du khách Trung Quốc đóng hàng ngay tại lối ra vào cửa hàng ở Tokyo ngày 11-2 - Ảnh: Reuters |
Thống kê của cơ quan phát triển du lịch Pháp Atout France cho biết trong năm 2014, có đến 111 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài. Đây là con số đáng mơ ước của tất cả các quốc gia trong thời buổi kinh tế khó khăn, là sự mong chờ do các du khách Trung Quốc nổi tiếng chịu chi.
Làm sách hướng dẫn đón khách Trung Quốc
Cuối tháng 1-2016, Atout France đã xuất bản cuốn sách có tựa Du khách Trung Quốc: làm sao đón tiếp họ tốt nhất? với giá 15,15 euro. Cuốn sách nhỏ được rao là “sách hướng dẫn tiện lợi dành cho giới làm du lịch ở Pháp".
Những người làm sách nêu rõ với số lượng gần 2 triệu khách Trung Quốc đến Pháp trong năm 2015 và con số này sẽ lên đến 5 triệu trong năm năm nữa thì nên có những “kỹ năng” đón tiếp riêng.
Cuốn sách nêu ra những điều nên làm, nên có khi tiếp khách đến từ Trung Quốc như phải có bình nước sôi trong phòng; phải có quà nhỏ như miếng sôcôla, trái cây; người tiếp tân phải biết vài câu chào hỏi tiếng Hoa; buổi sáng phải có phần điểm tâm mặn và nóng từ 6g sáng...
Những người làm du lịch ở Pháp thật sự xem khách Trung Quốc là “món mồi ngon” vì họ chịu chi và lại ít phàn nàn! Thông tin cho biết giá du lịch châu Âu hạng bình dân của du khách Trung Quốc vào khoảng 2.000 USD/người.
Họ cũng chẳng mấy khi phàn nàn khi bị đẩy ra những khách sạn ít tiện nghi cách xa các trung tâm thủ đô ở châu Âu, họ cũng chẳng khó chịu khi chương trình bị điều chỉnh sao cho có lợi cho bên tổ chức du lịch...
Theo nghiên cứu của Cơ quan Du lịch Paris, có đến 1/3 số du khách Trung Quốc đến Paris với mục tiêu hàng đầu là mua sắm hàng hóa. Thực tế là họ chi tiêu trung bình 2.500 euro trong các cửa hiệu của Paris. Thậm chí khu thương mại danh tiếng Galeries Lafayette mở riêng khu vực dành cho khách Trung Quốc.
Tuy nhiên những thông tin đã được kiểm chứng cho thấy không phải những người mua hàng ở các đô thị lớn tại châu Âu đều là những người Trung Quốc giàu có. Không ít người “mua giúp” cho người ở nhà để lấy tiền công nhằm giảm bớt chi phí bỏ ra cho chuyến du lịch “trời Tây”.
Tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc rõ là hàng hiệu mua tại châu Âu thì vẫn sang hơn hàng cùng hiệu bán trên đất Trung Quốc!
Hàng Nhật được thời
Cách đây không lâu, tiếng Anh còn chiếm lĩnh trong các biển hiệu thông tin cho khách hàng tại các cửa hiệu lớn ở thủ đô Tokyo. Giờ thì mọi chuyện đã khác hẳn: tiếng Hoa mới là số 1.
Điều đó cũng không có gì khó hiểu khi nhìn vào số du khách đổ đến Nhật trong năm 2015: trong số 19,7 triệu du khách đến xứ sở mặt trời mọc (tăng 47,1% so với năm trước) có đến 4,99 triệu du khách Trung Quốc (tăng hơn gấp đôi so với năm trước).
Vấn đề là số du khách Trung Quốc rất chịu chi xài. Tính trong khoảng tháng 7 đến tháng 9-2015, số du khách Trung Quốc dù chỉ chiếm khoảng 25% tổng số du khách nhưng lại chi xài đến 47% trong tổng số 1.000 tỉ yen (8,4 tỉ USD) mà du khách chi tiêu tại Nhật.
Du khách rất chịu mua sắm vì một suy nghĩ khó tin ở thời đại toàn cầu hóa này: hàng chính hiệu Nhật mua trên đất Nhật có chất lượng tốt hơn! Vì thế họ săn lùng mua sắm hàng điện tử gia dụng, hàng xa xỉ và mỹ phẩm.
Chẳng hạn cửa hiệu thời trang Uniqlo tại khu mua sắm sang trọng Ginza ở thủ đô Tokyo luôn tràn ngập khách xì xồ tiếng Hoa dù nhãn hiệu thời trang này có không ít cửa hàng ngay tại các thành phố lớn của Trung Quốc.
Các khách Trung Quốc mua sắm rất mạnh tay vì lý do như một người tiết lộ: “Hàng thì giống nhau cả nhưng mua ở Nhật trông có vẻ chất lượng hơn”!
Nhờ thế nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm của Nhật đã sống lại hứng khởi dù số khách hàng nước ngoài cũng chỉ mới chiếm đưa đến 1/4 khách hàng của các cửa hiệu bán lẻ ở Nhật.
Hiện tượng du khách Trung Quốc tại Nhật cũng nên được hiểu theo các lý do “mở cửa” của Nhật: giảm bớt quy định visa từ năm 2014, miễn thuế nhiều mặt hàng và quan trọng hơn cả là đồng yen giảm giá gần 20% trong năm 2015 so với đồng nhân dân tệ.
Cũng có lý do văn hóa Nhật đang thu hút du khách. Thống kê cho thấy hồi năm 2014 có đến 44,5% du khách quay trở lại Nhật lần thứ hai, đặc biệt là du khách nữ trẻ. Tờ nhật báo Nihon Keizai của Nhật từng phỏng vấn một số nữ du khách Trung Quốc và họ trả lời chẳng ngại đi đến đền thờ Izumo Taisha của đạo Shinto chỉ để mong có may mắn... kiếm chồng.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi cũng là dịp để giới bán lẻ Nhật hốt bạc vì người Trung Quốc nghỉ dài và đổ sang Nhật vừa vui chơi vừa mua sắm. Chẳng hạn viên quản lý của cửa hàng danh tiếng Matsuya tại khu Ginza khoe: “Khách Trung Quốc mua đến 80% số hàng miễn thuế của chúng tôi”.
Vì lẽ đó lắm khi các đoàn xe to đùng chở du khách Trung Quốc gây kẹt xe nhiều giờ ở khu Ginza nhưng người ta cũng nhanh chóng bỏ qua những khó chịu đó vì sức mạnh của đồng tiền.
Nhưng cũng có những thói quen cố hữu của người Trung Quốc khiến người Nhật văn minh không hài lòng: không chịu xếp hàng, hút thuốc ở mọi nơi, khạc nhổ ra đường, vào cửa hàng thì mở bánh ra ăn ngay rồi sau đó mới ra tính tiền hoặc gây rối loạn ở cửa ra vào với những vali to cồng kềnh.
Một quản lý cửa hiệu mỹ phẩm ở Ginza bình phẩm: “Thật ngạc nhiên khi trông thấy du khách Trung Quốc túm tụm trên phố và nói chuyện to tiếng như chửi nhau”.
Hồi tháng 1-2015, một đài truyền hình ở Nhật từng làm một tin thời sự dài về chuyện một nữ du khách Trung Quốc để con đi tè ngay trước một cửa hiệu tại khu Ginza dù ở Nhật các nhà vệ sinh đều sạch sẽ và không mất tiền.
Người Trung Quốc đi đâu? Người Trung Quốc thật ra đi du lịch ở những quốc gia lân cận nhiều hơn. Trong năm 2015, năm điểm đến nhiều nhất của người Trung Quốc là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật, Hong Kong và Thái Lan. |
Theo Võ Trung Dung (Tuổi Trẻ)