Đón đoàn làm phim ‘bom tấn’: Hiệu quả tức thì, khách du lịch tăng 200%

10/09/2024 21:26:41

Các điểm đến, là bối cảnh trong các bộ phim, luôn trở thành địa chỉ hấp dẫn hút khách ngay lập tức. Thế nhưng, trong khi Thái Lan đón trên dưới 100 đoàn làm phim mỗi năm, Việt Nam đón được số lượng ít ỏi, đếm chưa hết hai bàn tay.

Thích sự đa dạng, đặc sắc và mới lạ tại Việt Nam

Nhiều quốc gia đã trở thành tiêu điểm thu hút khách du lịch trên toàn thế giới nhờ vào các bộ phim điện ảnh, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh tại tọa đàm Việt Nam - điểm đến mới của điện ảnh thế giới, do báo Nhân Dân phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức sáng 10/9.

Trên thực tế, một số địa phương trong nước như Quảng Bình, Ninh Bình, Hội An, Hạ Long,… được các đoàn làm phim quốc tế chọn làm bối cảnh trong các dự án phim. Ngay sau khi tác phẩm được phát hành, lượng khách du lịch lập tức đổ đến.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, dẫn chứng, năm 1992, sau khi bộ phim Đông Dương được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) được nhiều khách quốc tế biết đến, đặc biệt là du khách Pháp. 

Hiện khách Pháp, châu Âu chiếm tới 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch tại đây, trong khi trước đó Tam Cốc - Bích Động hầu như không có khách quốc tế, ông Mạnh cho hay.

Đón đoàn làm phim ‘bom tấn’: Hiệu quả tức thì, khách du lịch tăng 200%
Lượng khách quốc tế đến Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) ngày càng nhiều, đặc biệt là khách Pháp, sau bộ phim Đông Dương được quay tại đây. Ảnh: TTXVN

Ông Ngô Minh Quân, Giám đốc Khối Thị trường nước ngoài (Vietravel), lấy ví dụ, bộ phim Braveheart (Trái tim dũng cảm - 1995) được quay Wallace Monument, Scotland đã mang lại hiệu ứng cực kỳ tích cực với việc tăng 300% lượt khách, ngay sau khi phim được phát hành. 

Gần đây nhất, bộ phim Mission Impossibe (Nhiệm vụ bất khả thi - 2023) được quay tại Sydney cũng mang lại sự tăng trưởng hơn 200% lượt khách tới Úc ngay trong năm đó.

Là đơn vị nhiều lần hợp tác với các đoàn làm phim điện ảnh, chương trình truyền hình, phim phóng sự, tư liệu và cả video ca nhạc,... để quảng bá hang Sơn Đoòng (Quảng Bình), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua me đất (Oxalis), ông Nguyễn Châu Á, nhận thấy các nhà làm phim nước ngoài rất thích cảnh sắc, bối cảnh của Việt Nam vì sự đa dạng, đặc sắc và mới lạ; nhất là so với các điểm đến như: Thái Lan, Philippines... với bối cảnh quá quen thuộc.

Tuy nhiên, các nhà làm phim nước ngoài mong muốn phía Việt Nam tạo điều kiện hơn trong khâu cấp phép dự án phim, muốn được hỗ trợ về an ninh trật tự, giữ bảo mật trong quá trình quay phim.

“Họ cũng muốn có thêm các chính sách ưu đãi về thuế (VAT, thu nhập cá nhân) đối với các dự án phim quốc tế quay tại Việt Nam. Ngoài ra, các hãng phim Hollywood mong phía Việt Nam có nhiều công ty sản xuất, hậu cần phục vụ các đoàn phim quốc tế chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn nhằm bảo đảm các yêu cầu quốc tế”, ông Nguyễn Châu Á chia sẻ. 

Còn nhiều điểm nghẽn

Tự nhận “là người làm điện ảnh cả đời”, bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, dẫn lời Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng khi đề cập đến hai bộ phim như hai hình mẫu để kết hợp điện ảnh với du lịch là "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" sản xuất năm 2015 và "Kong: Skull island" của Hollywood làm tại Việt Nam năm 2016. 

Bà cho rằng, khi làm một bộ phim chúng ta không nên du lịch hóa nó, có nghĩa là tìm mọi cách để đưa thông điệp du lịch vào trong tác phẩm, vì tác phẩm điện ảnh trước tiên phải có giá trị thì mới có sức lan tỏa và từ đó mới quảng bá được cho địa phương và điểm đến.

“Nếu chúng ta du lịch hóa tác phẩm điện ảnh thì vô hình trung cả hai bên sẽ không đạt được hiệu quả, phim sẽ không thành công và không quảng bá được du lịch”, bà góp ý.

Ngoài ra, để hỗ trợ và thúc đẩy các dự án làm phim điện ảnh trong nước cũng như thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam sản xuất, bà Lan kiến nghị cần có chính sách giảm thuế, ưu đãi thuế cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút các đoàn phim vào Việt Nam.

“Nếu nhìn sang Thái Lan, một năm họ thu hút trên dưới 100 đoàn làm phim lớn nhỏ thì ở Việt Nam, tính đi tính lại tôi thấy vẫn chưa hết hai bàn tay”, bà nói. 

Điều đó chứng tỏ người ta đến quay cảnh Việt Nam nhưng không được ưu đãi, họ sẽ sang nơi có cảnh quan tương tự như Thái Lan, Philippines hoặc các nước chào đón họ. Như vậy, chúng ta sẽ mất nhiều khách hàng.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong, ngành du lịch cần nghiên cứu, học tập các quốc gia có nền điện ảnh phát triển. Tuy nhiên, khi xúc tiến, không chỉ đến các trung tâm điện ảnh mà chúng ta nên tổ chức các cuộc xúc tiến điện ảnh ngay tại Việt Nam kết hợp với du lịch, lắng nghe để hiểu đoàn làm phim muốn gì.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thực tế đã kiểm chứng tính hiệu quả trong việc liên kết giữa điện ảnh với du lịch. Đây là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu, tạo ra sức lan tỏa rất lớn trong quảng bá du lịch, giới thiệu về hình ảnh Việt Nam.

Do đó, thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình đẩy mạnh liên kết quảng bá du lịch với các ngành khác. Trong đó, đáng chú ý là chương trình xúc tiến du lịch thông qua điện ảnh tại Hollywood (từ 21-28/9). Kế hoạch này đang được gấp rút triển khai, hoàn thiện. 

Đây là cơ hội để Việt Nam giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, bối cảnh làm phim, du lịch, cơ hội hợp tác... Chương trình cũng tập trung vào sự kết nối doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Bước đầu, sẽ có 5 hợp đồng được ký kết; trong đó, các địa phương cam kết bảo trợ và có cơ chế hỗ trợ các đoàn làm phim Hoa Kỳ. Dự kiến sắp tới, sẽ có các cuộc xúc tiến điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Theo Ngọc Hà (VietNamNet)