Đổi tiền mới lì xì, nỗi ám ảnh của nhân viên ngân hàng

21/01/2024 07:15:57

Đến hẹn lại lên, dịp gần Tết Nguyên đán là thời điểm trở lại đối với nhu cầu đổi tiền mới của người dân nhằm phục vụ nhu cầu mừng tuổi (lì xì) nhau trong dịp Tết.

Càng gần đến Tết Giáp Thìn 2024, nhân viên ngân hàng lại "được" bạn bè, người quen, thậm chí cả khách hàng nhờ đổi tiền. 

Nhu cầu đổi tiền mới thường phổ biến ở các mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng. Ngoài ra, tiền mới các mệnh giá 5.000 đồng, 10.000 đồng và 20.000 đồng cũng được nhiều người ưa thích vì mục đích đi lễ các đền, chùa đầu năm.

Trong khi đó, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạn chế cấp tiền mới cho các ngân hàng, đặc biệt là tiền mệnh giá từ 10.000-50.000 đồng. Cơ quan này năm 2021 cũng chỉ đạo Sở Giao dịch NHNN tuyệt đối không được đổi tiền mới cho doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ NHNN. 

NHNN chi nhánh các địa phương cũng được yêu cầu phải chủ động cân đối, xây dựng kế hoạch thu - chi tiền mặt, ưu tiên chi tiền đã qua lưu thông mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống để đáp ứng cho nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế, tiếp quỹ ATM, chi lương, chi bảo hiểm xã hội, chi cho siêu thị, trung tâm thương mại.

Với việc nguồn cung bị hạn chế, trong khi tình trạng “nhờ vả” vẫn luôn tiếp diễn nên thời điểm này là “ác mộng” đối với nhiều nhân viên ngân hàng khi luôn phải tìm cách từ chối khéo sao cho không mất lòng bạn bè, người thân cũng như khách hàng.

Đổi tiền mới lì xì, nỗi ám ảnh của nhân viên ngân hàng
Vài năm lại đây, NHNN hạn chế cấp tiền mới cho các nhà băng

Anh Đức Anh, nhân viên chi nhánh một ngân hàng TMCP nhà nước, chia sẻ, những năm trước, lượng tiền mới còn dồi dào, có năm anh còn được phân công ở lại cơ quan cả đêm để trông coi tiền lẻ khi “xe tải đổ về nhưng chưa kịp phân phối cho các phòng, ban”. 

Tuy nhiên, năm 2024, nhiều khả năng mỗi người được đổi một vài triệu đồng, con số này chỉ đủ phục vụ nhu cầu của bản thân.

“Vậy nên thời điểm này nhận được bao nhiêu cuộc gọi, tin nhắn nhờ đổi tiền tôi đều phải từ chối khéo”, anh Đức Anh nói.

Mặc dù vậy, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới vẫn nở rộ trên không gian mạng với vô vàn hội nhóm chuyên quy tụ những người làm dịch vụ này. Mức phí đổi tiền dao động từ 2-3%/tổng giá trị, thậm chí lên đến 5%.

Thậm chí, ngay chính những nhân viên ngân hàng cũng phải ngậm ngùi tìm đến dịch vụ đổi tiền.

Hoài Anh, nhân viên tín dụng thuộc Phòng Khách hàng doanh nghiệp tại một ngân hàng TMCP tư nhân lớn tại Hà Nội, kể rằng, chị và đồng nghiệp trong phòng vừa phải “gom đơn” đổi tiền lẻ từ dịch vụ bên ngoài với mức phí 2%. Tổng số tiền mọi người cần đổi lên đến gần 400 triệu đồng.

“Nếu chỉ đổi tiền lẻ cho bản thân một vài cá nhân trong cơ quan thì nhu cầu chỉ vài chục triệu đồng. Nhưng mỗi người lại nhận đổi tiền cho bạn bè và người thân trong gia đình nên mới phải đổi nhiều như vậy. Mức phí 2% là rẻ vì bọn mình là khách quen rồi”, Hoài Anh chia sẻ.

Cũng theo nhân viên ngân hàng này, khi sử dụng dịch vụ đổi tiền cần hết sức cảnh giác, tránh bị lừa đảo mất tiền. Bởi người có nhu cầu đổi tiền luôn được yêu cầu phải nộp tiền cọc, nếu không phải là chỗ quen biết rất dễ bị lừa mất tiền cọc.

“Thực tế, những vụ lừa đảo đã từng xảy ra, nên nếu có đổi chỉ nên đổi ở chỗ quen biết. Nhưng đó cũng có thể là lý do khiến những người làm ngân hàng như tôi luôn bị làm phiền vào dịp này”, cô nói.

Mặc dù vậy, một số nhân viên ngân hàng vẫn hy vọng có thể được đổi tiền, với số tiền hàng chục triệu đồng/người.

Trao đổi với PV. VietNamNet, một nhân viên làm tại hội sở ngân hàng TMCP nhà nước cho hay, chị đã nhận lời đổi tiền mới cho người quen, với số tiền lên đến 40 triệu đồng. Tuy nhiên, có tiền mới để đổi hay không thì... chưa chắc chắn.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)