Đại biểu Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM - phát biểu tại họp tổ Quốc hội chiều 13-11: "Chẳng lẽ Facebook có mặt ở 200 nước thì phải đặt máy chủ ở 200 nước? Không tập đoàn, công ty nào chịu nổi chi phí cho đội ngũ".
"Ngay cả chúng ta cũng lập trung tâm hành chính tập trung thì sao đòi hỏi họ phải rải máy chủ ra khắp nơi. Chuyện đó là không khả thi, trừ khi thị trường của mình lớn như Trung Quốc", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng đang nói đến khoản 4, điều 34 trong dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam vừa được trình ra xin ý kiến tại kỳ họp này: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam...".
Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM cho rằng cách diễn giải không rõ ràng của dự luật khiến vấn đề này đang rất "nóng" trong dư luận.
Ông Dũng cho biết trước đây Luật Viễn thông nêu rõ nhà cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông là cung cấp việc kết nối, truy cập Internet..., tách bạch việc cung cấp dịch vụ Internet và cung cấp các dịch vụ sử dụng trên nền tảng Internet.
"Nếu hiểu theo cách này thì điều 34 là ổn, nhưng vấn đề là dự luật An ninh mạng lại không diễn giải rõ ý này, nên không biết hiểu theo cách nào, gây ra băn khoăn. Và với cách hiểu bao trùm thì Google, Facebook, Amazon... đều phải đặt máy chủ ở Việt Nam", ông Dũng nói..
Về mặt kỹ thuật, đại biểu Dũng ủng hộ việc phải quản lý chặt chẽ, và theo ông điều này có thể làm được.
"Chúng ta không nên cứng nhắc, vấn đề là ông đặt máy chủ ở Mỹ cũng được nhưng tôi phải có quyền quản lý, phải nắm được bao nhiêu người đang sử dụng dịch vụ đó ở Việt Nam, mà điều đó thì không cần phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới làm được" - Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM nhận định.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt - giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng quy định đặt máy chủ là bất hợp lý.
Ông Đạt phân tích: Các máy chủ tỏa nhiệt rất lớn nên phải đặt ở vị trí có nhiệt độ ôn hòa, tức là không đặt ở xứ nhiệt đới mà đặt ở nơi có khí hậu ôn đới, hàn đới.
"Các chuyên gia nói rằng không nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam, quan trọng là cam kết cung cấp thông tin cần thiết để quản lý, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Chứ họ đặt máy ở đây mà không hợp tác thì cũng chịu. Cần hết sức cân nhắc", đại biểu Huỳnh Thành Đạt nói.
Sức khỏe lãnh đạo có phải là bí mật nhà nước?
Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước tại họp tổ Quốc hội chiều nay, phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng thẳng thắn đánh giá về tình trạng lạm dụng "mật".
"Quốc hội nhiều năm qua căn cứ quy định pháp luật đều xem báo cáo ngân sách nhà nước là tài liệu mật và đều đóng dấu mật, mà theo luật thì 10 năm sau mới 'giải mật' thì có thật sự cần thiết?", ông Dũng nói.
"Có chuyện một cán bộ cấp vụ ở Văn phòng Quốc hội bị phát hiện làm lộ tài liệu mật. Điều tra ra thì sự thật là ông này phải lưu quá nhiều tài liệu trong suốt thời gian dài, đầy cả phòng làm việc nên gọi bà đồng nát vào bán cho gọn, trong số đó có những tài liệu đóng dấu mật", ông Dũng kể ra.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị xem xét xem những nội dung được coi là nhạy cảm như sức khoẻ lãnh đạo Đảng, nhà nước.
"Như vừa rồi, liên quan đến sức khoẻ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, tại sao không công khai để người dân biết mà cứ để trên mạng đồn thổi. Nhân dân và cán bộ, đảng viên lo lắng băn khoăn rất nhiều. Sinh lão bệnh tử là quy luật, ở độ tuổi 60 có bệnh tật cũng là lẽ thường", ông Dũng nói.
"Bà con cử tri cứ hỏi sao không công khai. Đến khi xuất hiện hình ảnh Chủ tịch nước rạng ngời, khoẻ mạnh thì ngay lập tức đập tan dư luận. Gần đây là hình ảnh Chủ tịch nước ở APEC rất tuyệt vời. Nếu công bố sớm hơn thì sẽ tránh được kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc", ông Dũng nêu ý kiến.
Theo Viên Sự - Lê Kiên (Tuổi Trẻ)