UBND TP.Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) vì đã vi phạm việc mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được thu đổi ngoại tệ.
Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Chuyện buồn cười
Theo phóng viên tìm hiểu, anh Rê chỉ đem 100USD đổi lấy gần 2,3 triệu đồng để dễ sử dụng, nhưng số tiền bị phạt lại lên đến 90 triệu đồng.
Anh Rê cho biết, cuối năm 2017, anh có đem 100USD (do người thân gửi cho anh) đến một tiệm vàng ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều để đổi ra tiền Việt. Sau khi nhận số tiền Việt gần 2,3 triệu đồng, anh vừa bước ra khỏi tiệm vàng thì lực lượng chức năng giữ lại, lập biên bản và tịch thu số tiền.
Vài tháng sau, anh Rê được mời lên làm việc để ký một số biên bản và thông báo về số tiền anh bị phạt. Đến ngày 4.9, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với anh. Trong quyết định có ghi rõ, nếu quá thời hạn mà anh Rê không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định, nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được.
“Tôi làm thợ điện, thu nhập một tháng gần 4 triệu đồng. Nay bị phạt đến 90 triệu đồng, tôi không biết lấy đâu ra tiền mà nộp bây giờ. Số tiền bị phạt này thật quá lớn đối với tôi”, anh Rê nói.
Được biết, tiệm vàng anh Rê đem USD tới đổi cũng bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 295 triệu đồng với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ.
Việc đi đổi ngoại tệ và bị phạt như trường hợp của anh Rê, một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây là việc “buồn cười”, thậm chí còn “chưa từng nghe bao giờ”.
Một chuyên gia cho biết lần đầu tiên nghe thấy việc một người dân bị phạt 90 triệu vì bán 100 USD. “Theo luật quản lý ngoại hối của NHNN, người dân có thể nhận USD, có thể giữ USD trong nhà hay gửi ngân hàng nhưng không được phép mua, bán trừ những tổ chức được NHNN cấp phép giao dịch ngoại tệ. Thành ra, người dân có USD đem đi bán tại các cơ sở không được cấp phép họ bị phạt là đúng. Tất cả mọi người không cứ mua/bán USD mà giao dịch bất cứ loại ngoại tệ nào trong trường hợp này đều vi phạm pháp luật”.
Một chuyên gia kinh tế khác cho rằng việc bán 100 USD bị phạt tới 90 triệu là chuyện hết sức “buồn cười” nhưng là vấn đề “đáng phải suy ngẫm”, phía sau câu chuyện này có thể là một điều gì đó đầy “uẩn khúc”?
Vì sao USD chợ đen cao hơn ngân hàng?
Sự việc của anh Rê là 1 trong những minh chứng cho thấy hoạt động mua, bán ngoại tệ trái phép vẫn đang ngang nhiên diễn ra dù trong thời gian vừa qua cơ quan chức năng không ngừng thanh kiểm tra hoạt động này.
Trên thực tế, nhiều năm qua việc kiểm tra thị trường ngoại tệ tự do đã được tiến hành, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì mọi việc "đâu lại vào đó". Các hoạt động thu đổi, niêm yết, dùng ngoại tệ thanh toán vẫn diễn ra, thậm chí còn giao dịch nhiều hơn. Và thực tế, có 10 cửa hàng hoạt động mua, bán trao đổi ngoại tệ thì phải đến 9 cửa hàng là “bất hợp pháp” vì không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cho hoạt động giao dịch ngoại hối.
Điều đáng nói, sự tồn tại của thị trường USD chợ đen như một đối trọng với thị trường chính thức, nhất là thời gian gần đây tình trạng USD hai giá lại xuất hiện, và giá USD chợ đen luôn cao hơn ngân hàng và hoạt động sôi nổi không kém thị trường chính thức. Vì sao lại có tình trạng USD hai giá và thị trường chợ đen tồn tại mặc nhiên như vậy?
Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, do chênh lệch giá USD trong và ngoài ngân hàng, cộng với việc các ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của người dân nên mới "lòi" ra thị trường chợ đen. Có cung ắt phải có cầu là điều hoàn toàn dễ hiểu.
"Chưa kể khi người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng thì giá bán sẽ thấp hơn so với thị trường tự do, như vậy thì không hấp dẫn người dân. Do đó, phải làm sao cho tỷ giá trong ngân hàng nới dần đến tự do hóa thì mới triệt được tận gốc vấn đề USD hóa", ông Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Hoài Linh, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng thừa nhận, người dân mang ngoại tệ vào ngân hàng bán thì dễ nhưng khi họ cần đi du học, chữa bệnh, du lịch... thì mua ngoại tệ lại cực kỳ khó.
"Bởi vì khi giao dịch tại các NHTM sẽ có quy định về hạn mức mua USD, ví dụ chỉ được mua 1.000 - 2.000 USD chẳng hạn. Rồi tiếp đến là thủ tục giấy tờ đòi hỏi phức tạp. Nếu mua ngoại tệ khách hàng còn phải làm hợp đồng với ngân hàng. Chính vì vậy nên việc ra chợ đen mua bán USD sẽ đơn giản hơn, đỡ mất thời gian công sức so với đến ngân hàng. Đấy là lý do nhiều người lựa chọn giao dịch tại thị trường phi chính thức”, bà Linh phân tích.
Cũng có ý kiến cho rằng, chính ngân hàng đã "đẩy" khách hàng ra thị trường chợ đen nên thị trường này mới có đất hoạt động. Từ trước đến giờ nạn USD chợ đen vẫn rất phổ biến ngay cả các ngân hàng cũng tham gia vào thị trường chợ đen chứ không phải ai khác. Tuy nhiên, trường hợp bị phạt vì giao dịch bất hợp pháp quá ít và điều đáng nói, thị trường USD chợ đen vẫn tồn tại mặc nhiên như một đối trọng với ngân hàng và thách thức cơ quan quản lý.
Hiện nay, những quy định về quản lý ngoại hối đã rất chặt chẽ song vấn đề là thực thi nó như thế nào mới là câu chuyện. Tất nhiên nếu muốn quản lý thị trường chợ đen thì vẫn quản lý được, nhưng dường cơ quan quản lý không nhận thấy điều đó. Phải chăng thị trường chợ đen tồn tại, giao dịch USD bất hợp pháp vẫn đang được bảo kê bởi luôn có người “đứng sau”? Chỉ những người dân thấp cổ bé họng, thi thoảng lại nhận được những quyết định phạt "buồn cười và chưa từng thấy" như trường hợp của anh Rê?
Ngày 23.10, tỷ giá USD chợ đen mua, bán lần lượt 23.465 VND/USD và 23.475 VND/USD, trong khi đó tại Vietcombank giá mua, bán đồng bạc xanh chốt phiên tại 23.300 VND/USD và 23.390 VND/USD.
Chênh lệch giữa thị trường chính thức và chợ đen lên tới 165 VND/USD.
Theo Lê Thúy (Dân Việt)