Độc quyền Nhà nước 20 hàng hoá, dịch vụ: Lý do đưa ra chưa thực sự thuyết phục

14/02/2017 15:18:00

Đại diện VCCI khuyến nghị cách tốt nhất để xử lý Nghị định này là loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia. Đồng thời, chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực.

Đại diện VCCI khuyến nghị cách tốt nhất để xử lý Nghị định này là loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia. Đồng thời, chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực.
 
Theo dự thảo, Nhà nước sẽ độc quyền phát hành vé số, sản xuất vàng miếng.

​Liên quan tới bản dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số bình luận về vấn đề này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, xem danh mục 20 ngành nghề độc quyền, cùng với Điều 4.1 của Dự thảo thì thấy việc lựa chọn ngành nghề đưa vào danh mục có 3 lý do: Các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu tham gia; Các thành phần kinh tế không có khả năng tham gia; và Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, các lý do này chưa thực sự thuyết phục.

Đối với lý do thứ nhất, theo ông Tuấn, đúng là có một số ngành nghề mà tư nhân không muốn tham gia do doanh thu không đủ bù chi phí, tuy nhiên xã hội vẫn có nhu cầu. Đây được gọi là các hàng hóa, dịch vụ công ích.

"Hiện nay, chúng ta đã có Nghị định 130/2013/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ công ích, tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ này không chỉ doanh nghiệp nhà nước, không phải dưới hình thức độc quyền nhà nước mà còn có doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước sẽ đặt hàng, giao kế hoạch hoặc đấu thầu. Hà Nội và một số thành phố lớn đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia và thực tế rất hiệu quả", ông Tuấn nói.

Đối với lý do thứ hai, ông Tuấn cho rằng, có một số ngành nghề mà tư nhân không thể tham gia vào thời điểm này do chi phí đầu tư quá lớn và lâu thu hồi vốn như hạ tầng đường sắt quốc gia hay hệ thống truyền tải điện. Khi đó, Nhà nước buộc phải đứng ra cung ứng dịch vụ này và sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền Nhà nước. Tuy nhiên, cần lưu ý, độc quyền nhà nước lúc này là hệ quả của việc tư nhân không muốn tham gia.

"Còn việc đưa ra Nghị định này và tuyên bố tư nhân bị cấm tham gia các lĩnh vực đó lại là không phù hợp. Đang từ chỗ "độc quyền Nhà nước" là hệ quả của việc tư nhân không muốn tham gia, biến thành "cấm tư nhân tham gia". Giả sử một ngày nào đó tư nhân muốn tham gia, thì sao? Phải sửa Nghị định? Mặc dù Điều 6 của Nghị định đã mở ra cơ chế để sửa Nghị định khi tư nhân đề xuất tham gia, nhưng khi đó quyền Hiến định của Doanh nghiệp mà lại phải đi xin Nhà nước để được làm sao?", ông bình luận.

Lý do thứ ba, đại diện VCCI cho rằng, đúng là hiện nay có một số ngành nghề liên quan đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia mà Nhà nước chưa dám cho tư nhân tham gia, vì lo ngại sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực không kiểm soát được. Tuy nhiên, việc cấm tư nhân tham gia là chưa thỏa đáng. Việc kiểm soát tác động tiêu cực có thể được thực hiện bằng phương pháp khác như điều kiện kinh doanh, cơ chế kiểm tra, giám sát…

Ông cũng nêu ví dụ: "Vietlott kinh doanh xổ số là một doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng vẫn có nhu cầu giám sát việc trao thưởng. Đến mức cơ quan công an phải cử cán bộ giám sát việc quay số và trao thưởng, đơn vị kiểm toán độc lập cũng phải giám sát. Như vậy, rõ ràng là dù doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước cung ứng dịch vụ không quan trọng, mà quan trọng là cơ chế kiểm tra, giám sát như thế nào".

Hoặc một ví dụ khác được chỉ ra là ngay như ngành ngân hàng, một ngân hàng hoạt động có thể tác động lớn vào an toàn tài chính quốc gia, ổn định kinh tế vĩ mô, tác động không khác gì việc vàng miếng cung cấp ra thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn cho phép thành lập ngân hàng tư nhân, chỉ có điều là toàn bộ việc thành lập cũng như vận hành của ngân hàng tư nhân đó được kiểm soát rất chặt chẽ bằng thể chế Luật Tổ chức tín dụng và thiết chế Ngân hàng Nhà nước.

"Có thể, trong giai đoạn trước mắt, Nhà nước chưa kịp hoàn thiện thể chế và thiết chế để quản lý một số thị trường nhất định thì có thể hạn chế tư nhân đầu tư. Nhưng làm việc này thì phải xác định rõ thời hạn cho việc xây dựng pháp luật và cơ quan quản lý đó, và đến thời điểm đó thì phải cho tư nhân tham gia. Không nên đưa ra một quy định cấm tư nhân tham gia vô thời hạn như vậy", ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, về thời hạn độc quyền, đại diện VCCI cũng cho biết, theo Luật Thương mại 2005 có quy định: "Nhà nước thực hiện độc quyền Nhà nước có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước."

Tuy nhiên, Nghị định này không xác định thời hạn độc quyền, điều này được hiểu rằng, 20 ngành nghề này là độc quyền không xác định thời hạn. Điều này chưa phù hợp với Luật Thương mại.

Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị, cách tốt nhất để xử lý Nghị định này là loại bỏ toàn bộ các ngành nghề được đưa vào danh mục với lý do tư nhân không thể hoặc không muốn tham gia. Đồng thời, chỉ giữ lại những ngành nghề mà sự tham gia của tư nhân có thể nảy sinh tác động tiêu cực, nhưng đi kèm với đó là phải xác định rõ thời hạn tối đa là 3 năm để Nhà nước chuẩn bị cơ chế quản lý phù hợp. Hết thời hạn đó phải để cho tư nhân tham gia.

"Bên cạnh đó, nên thay thế Nghị định này bằng một đạo luật vì chỉ đạo luật của Quốc hội mới hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân", ông nói thêm.

Theo Phương Dung (Dân Trí)