Doanh nhân TP HCM tố chuyện "trên rải thảm, dưới rải đinh" với Chủ tịch nước

03/10/2016 20:40:00

Đại diện doanh nghiệp thành phố cho rằng chủ trương của lãnh đạo cấp cao là đúng đắn nhưng lại khó hoặc chậm được áp dụng vào thực tế do qua nhiều tầng nấc.

Đại diện doanh nghiệp thành phố cho rằng chủ trương của lãnh đạo cấp cao là đúng đắn nhưng lại khó hoặc chậm được áp dụng vào thực tế do qua nhiều tầng nấc.

Là người đầu tiên nêu ý kiến với Chủ tịch nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - Huỳnh Văn Minh cho rằng nhiều năm qua, Chính phủ đều xác định vai trò mũi nhọn của doanh nghiệp - doanh nhân, song chính sách thực tế còn nhiều vấn đề. "Doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm lắm khi các cơ quan Nhà nước chưa thực sự đồng hành, nói chưa đi đôi với làm, trên rải thảm đỏ nhưng dưới rải đinh. Chủ trương của Nhà nước vẫn đến chậm với người dân và doanh nghiệp", ông Minh nói.

doanh-nhan-tp-hcm-to-chuyen-tren-rai-tham-duoi-rai-dinh-voi-chu-tich-nuoc
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với các doanh nhân TP HCM. Ảnh: Trung Sơn

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thành phố kiến nghị trước khi ban hành chính sách liên quan đến doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo nên tham khảo đối tượng bị tác động để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. "Chính sách, nhất là thủ tục hành chính đề ra nếu không hơn thì phải bằng các nước mà mình hội nhập, hợp tác làm ăn", ông Minh kiến nghị.

Đại diện cho 1.100 nhà máy với 300.000 công nhân, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP HCM - Nguyễn Văn Bé cho rằng cùng với vốn, lao động, công nghệ... điều doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng. Điều này kể cả doanh nghiệp phát đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần. "Hai năm qua, chúng ta cải cách hành chính quá chậm. Cải cách mà để cho một rừng hệ thống văn bản, thủ tục hành chính cản trợ doanh nghiệp", ông Bé nhận xét.

Ông Bé dẫn chứng có đến 1.645 thủ tục hành chính liên quan đến Bộ Tài chính, 678 thủ tục thuộc Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đều trên 500 thủ tục. "Đó mới là một số bộ thôi, chưa kể hết đã kinh khủng như vậy. Hằng ngày chúng tôi nhận được hàng trăm giấy phép con, rồi các cuộc kiểm tra chuyên ngành của các bộ, ngành dẫn tới sự trì trệ rất ghê gớm", ông nói.

Ông Henry Phạm - đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Khu công nghệ cao (quận 9) phàn nàn để mở rộng kinh doanh, xây dựng thêm xí nghiệp mới phải mất đến 6 tháng để đi từ Sở Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. "Đề nghị xem xét tạo cơ chế một cửa để gom vào một nơi, các loại thủ tục được làm một cách nhanh chóng vì với doanh nghiệp,  thời gian rất quan trọng", ông nói.

doanh-nhan-tp-hcm-to-chuyen-tren-rai-tham-duoi-rai-dinh-voi-chu-tich-nuoc-1
Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP HCM Nguyễn Văn Bé nêu ý kiến với Chủ tịch nước. Ảnh: Trung Sơn

Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết thành phố hết sức quyết liệt giải quyết những khó khăn và bức xúc của doanh nghiệp. Có những việc làm được ngay, nhưng có những việc cần phải có thời gian mới giải quyết được và mong doanh nghiệp chia sẻ với lãnh đạo thành phố.

"Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, thành phố cực kỳ quan tâm nhưng để đáp ứng được sự mong đợi và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân thì thực sự chúng ta cần phải cố gắng và nổ lực hơn nữa", ông Thăng nói và cho biết sẽ tiếp nhận và giải quyết các ý kiến đóng góp của các doanh nhân. Còn những gì thuộc thẩm quyền trung ương thì thành phố sẽ tập hợp để kiến nghị.

Sau khi lắng nghe tất cả 10 ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị lãnh đạo thành phố giải quyết ngay những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp nếu nằm trong thẩm quyền. "Với những kiến nghị liên quan đến các bộ, ngành Trung ương, tôi ghi nhận và sẽ chỉ đạo các bộ, ngành sớm giải quyết và thông báo cho doanh nghiệp", ông Quang nói.

Theo Chủ tịch nước, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN...) đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế. 

"Sức ép cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trên cả ba cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, nhất là sự ra đời và hoạt động của các tổ chức của người lao động nếu không được kiểm soát và quản lý chặt chẽ có thể sẽ làm méo mó các quan hệ lao động, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp", Chủ tịch nước nói.

Trước tình hình đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Đảng, Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường lành mạnh và động lực cho phát triển kinh tế...

Theo Trung Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật