Ảnh minh họa |
Ông có bình luận gì về đề xuất bỏ trần giá sữa của EuroCham?
Những đề xuất, đánh giá của EuroCham về thị trường sữa cũng là một kênh tham khảo trong quá trình chúng tôi xây dựng thông tư hướng dẫn đối với mặt hàng sữa. Hiện tại Vụ Thị trường trong nước đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 149/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá.
Thưa ông, việc quản lý giá sữa theo các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay của Việt Nam có phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết?
Theo quy định của WTO về quản lý giá đối với hàng hóa không cấm các nước áp dụng các biện pháp quản lý giá tối đa đối với hàng hóa lưu thông trong lãnh thổ nước mình nhưng phải đáp ứng các điều kiện như sau: phải cân nhắc tới lợi ích của nước xuất khẩu hàng hóa, không phân biệt đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa do trong nước sản xuất và không gây hạn chế số lượng hàng nhập khẩu trong thực tế khi áp dụng biện pháp này. Ngoài ra, các nước không được áp dụng các biện pháp quản lý giá nhập khẩu tối thiểu đối với hàng nông nghiệp.
Tại Báo cáo gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết sẽ áp dụng các biện pháp quản lý giá phù hợp với quy định của WTO có tính đến lợi ích của các nước xuất khẩu là thành viên của WTO. Việt Nam đã công bố danh mục hàng hóa và dịch vụ chịu sự kiểm soát giá của Nhà nước cũng như bất kỳ sự thay đổi nào đối với danh mục này trên Công báo và việc công bố này vẫn được tiếp tục duy trì sau khi gia nhập WTO. Chính sách giá của Việt Nam sẽ được áp dụng phù hợp với quy định của WTO, bao gồm Điều III.4 của Hiệp định GATT và Điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp.
Như vậy, khi gia nhập WTO, Việt Nam không cam kết thêm nghĩa vụ nào so với các nghĩa vụ đã được quy định trong các hiệp định của WTO.
Theo ông, vậy việc quản lý giá sữa như hiện nay có làm hạn chế hoặc ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này?
Việc quy định về quản lý giá sữa hiện nay không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường sữa, các biện pháp quản lý giá sữa chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng là trẻ em dưới 6 tuổi, việc giữ giá sữa thấp sẽ làm tăng khả năng tiếp cận mặt hàng sữa với chất lượng tốt cho các đối tượng là trẻ em ở Việt Nam. Khi giá bán hợp lý hơn, có thể hỗ trợ tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm nên không làm ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của các đối tác tham gia thị trường sữa trong đó có rất nhiều đối tác nước ngoài.
Xin ông cho biết định hướng quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Bộ Công Thương trong thời gian tới như thế nào?
Trong dài hạn, Vụ Thị trường trong nước sẽ phối hợp với các Vụ, Cục liên quan rà soát các chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong kinh doanh đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (sau đây gọi tắt là sữa và thực phẩm chức năng) để xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi, môi trường cạnh tranh cao cho mặt hàng này qua đó giá sản phẩm sẽ tự được điều chỉnh theo các quy luật thị trường về mức hợp lý, có lợi cho người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm nguyên tắc kinh tế thị trường.
Trước mắt, để có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương triển khai và bảo đảm quản lý được giá cả cùng với đó là chất lượng mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng, Vụ Thị trường trong nước dự kiến quy định quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng thời gian tới theo hướng: trên cơ sở quy định về đăng ký giá, kê khai giá tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, Vụ sẽ xây dựng Dự thảo Thông tư của Bô Công Thương quy định về một số nội dung.
Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.
Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.
Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối trong hệ thống sẽ bán với mức giá dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu trách nhiệm với mức giá bán của mình trước các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...).
Với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Theo Phương Dung (Dân Trí)