Doanh nghiệp sản xuất băng vệ sinh, tã, bỉm 'chết đứng' vì quy định hàng thiết yếu

29/07/2021 08:54:29

Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa "hàng hóa, dịch vụ thiết yếu" trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội nên phần lớn do các địa phương tự quy định. Điều này gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Ngày 28/7, Công ty cổ phần Diana Unicharm cho biết, các nhà phân phối, nhân viên bán hàng của doanh nghiệp bị cơ quan chức năng chặn khi vận chuyển mặt hàng băng vệ sinh, tã, bỉm đến các điểm bán lẻ tại TPHCM và nhiều tỉnh miền Nam.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, nếu việc tắc nghẽn, đứt đoạn chuỗi cung ứng không được tháo dỡ, mặt hàng này sẽ sớm thiếu hụt trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ, an toàn vệ sinh của người dân.

Doanh nghiệp sản xuất băng vệ sinh, tã, bỉm 'chết đứng' vì quy định hàng thiết yếu
Quy định về hàng hoá thiết yếu khác nhau khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đây không phải là lần đầu tiên sự không thống nhất về cách hiểu hàng thiết yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Tuần trước, mặt hàng đồ uống (nước đóng chai, đóng lon), sữa cũng đã bị một số địa phương xem là không thiết yếu, dẫn đến doanh nghiệp không thể giao hàng đến các đại lý bán lẻ.

Thậm chí, mặt hàng gas hay xe chở tiền của ngân hàng cũng bị chặn tại chốt vào Hà Nội ngày 26/7 bởi "không thuộc diện mặt hàng thiết yếu".

Dù Chính phủ đã chỉ đạo không để tình trạng ngăn sông, cấm chợ nhưng thực tế các địa phương đang vận dụng danh mục hàng hoá mỗi nơi một kiểu. 

Cụ thể, trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 từ ngày 19/7, ngoài các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu như nhiều địa phương, danh mục áp dụng của Tây Ninh còn có thêm các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng ...).

Các nhu yếu phẩm cần thiết theo danh mục của tỉnh Tây Ninh còn có thêm sản phẩm diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân...

Ngoài các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu, danh mục áp dụng của Cần Thơ còn nêu chi tiết bánh mỳ, bánh bao, bún, hủ tiếu... nằm trong nhóm hàng thực phẩm, là những hàng hoá thiết yếu.

Khác với Tây Ninh, tỉnh Khánh Hoà, lại bổ sung thêm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y vào danh sách hàng hoá thiết yếu khi thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 19/7.

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê Danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông.

Theo Bộ Công Thương, nếu đề xuất này được thông qua, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần tham chiếu theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông. Các hàng hóa, dịch vụ còn lại không nằm trong danh sách này sẽ được cấp "thẻ xanh" để lưu thông trên địa bàn, địa phương, hoặc từ địa phương này sang địa phương khác.

"Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lưu thông như trong điều kiện bình thường các hàng hóa cần vận chuyển với điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, ngoại trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh, trừ những hàng hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép", Bộ Công Thương đề xuất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm một số biện pháp cấp bách để lưu thông hàng hóa kịp thời.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để lưu thông hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhanh chóng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng như giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi; vật tư thiết bị phục vụ duy trì sản xuất; sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là sản phẩm tươi sống như con giống, thịt, trứng, sữa, thủy - hải sản, rau, củ, quả,...

Các địa phương cần hướng dẫn kịp thời, cấp giấy phép cho xe vận chuyển theo luồng xanh nhanh nhất từ khi làm xong thủ tục đăng ký; những chốt kiểm soát dịch bệnh cần bố trí làn đường ưu tiên cho xe luồng xanh, để tránh ách tắc giao thông.

Đối với các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cần xây dựng những trạm trung chuyển hàng hóa vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo lưu thông tốt hàng hóa.

Cùng với đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 4 của Luật Giá, các tỉnh, thành phố sớm ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh lưu ý đến giống, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đây là những hành hóa phục vụ cho duy trì sản xuất hiện tại và lâu dài.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vacxin COVID-19 cho lực lượng lao động và quản lý tại cảng cá, thuyền viên, lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức các biện pháp phòng chống dịch và tổ chức sản xuất tại thực địa.

Ngoài ra, các đơn vị cần chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ, đồng thời xem xét việc mở lại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Ngọc Mai - Dương Hưng (Tiền Phong)