Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu kể: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều chủ DN khóc trong các cuộc hội thảo chỉ vì thủ tục vô cảm”.
Không phải tại thị trường mà có khi chính những yêu cầu từ cơ quan nhà nước làm các doanh nghiệp thất bại đau đớn.
“Kiên quyết cắt bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trói doanh nghiệp (DN)” là tên cuộc tọa đàm với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế… do báo Lao Động tổ chức ngày 18-10. Nhiều ý kiến thẳng thắn về những ĐKKD đang kìm hãm DN.
DN ngồi trên lửa
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Phan Đức Hiếu kể: “Tôi đã từng chứng kiến nhiều chủ DN khóc trong các cuộc hội thảo chỉ vì thủ tục, ĐKKD vô cảm”.
Ông Hiếu dẫn chứng có nhiều thủ tục phải mất tới 30 ngày để xin giấy phép. Đối với cơ quan nhà nước, 10 ngày hay 30 ngày có thể không có nghĩa lý gì. Nhưng sản phẩm làm ra phải đợi đến 30 ngày mới được bán ra thị trường thì sẽ giảm tính cạnh tranh, có thể dẫn đến việc DN bị phá sản.
“Chậm một ngày đối với DN đã như ngồi trên đống lửa. Một giấy tờ, một thủ tục đôi khi khiến DN phát khóc” - ông Hiếu nói.
Lấy thêm ví dụ từ chính bản thân mình về sự rắc rối, phức tạp của thủ tục, ông Hiếu kể: Tôi nộp đơn xin đi học cho con ở Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Khi tách Từ Liêm ra thành quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, nhà tôi ở ngay cạnh trường, khi nộp đơn xin cho con, nhà trường yêu cầu tôi đi xin giấy xác nhận là “tôi ở Bắc Từ Liêm”.
“Tôi cũng không hiểu phải làm thế nào để chứng minh nhà tôi ở đấy, ở ngay cạnh trường. Tôi đành phải đi hỏi và làm các thủ tục để xác nhận. Vụ việc này dù không liên quan nhiều đến kinh doanh nhưng nó cứ làm tôi suy nghĩ mãi về thủ tục” - ông Hiếu chia sẻ.
Việc quản lý ATTP hiện nay còn chồng chéo, bất cập khiến các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm gặp khó khăn. Ảnh: TÚ UYÊN |
Giấy phép… vô hồn
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) dù đã được phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng vẫn nóng tại tọa đàm. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế, nói rằng đồng ý với nguyên tắc kiểm soát cả quá trình, các khâu sản xuất thực phẩm để tránh rủi ro. Tuy vậy, theo bà Nga, với các điều kiện hiện nay thì Việt Nam chưa làm được và quản lý nên chọn vào các nhóm hàng hóa có nguy cơ mất ATTP.
“Bộ Y tế quản lý năm nhóm ngành hàng và sẽ giao cho các địa phương quản lý các cơ sở ăn uống và thức ăn đường phố theo kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore. Bộ Y tế cũng bắt đầu thí điểm thanh tra chuyên ngành và đề nghị Chính phủ cho nhân rộng mô hình này”.
Dường như chưa thỏa mãn với cách trình bày của đại diện Bộ Y tế, Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu nói rằng các giấy xác nhận về quy định ATTP là một thủ tục cực kỳ tốn kém về mặt chi phí. Việc xác nhận trên giấy tờ chưa thể đảm bảo sản phẩm lưu thông ra thị trường đã an toàn hay chưa.
“Các nước họ không có khái niệm quản lý nhà nước một cách chung chung, ATTP một cách chung chung. Ví dụ như ở khâu chăn nuôi thì con gì là mất an toàn nhiều nhất, nhóm đối tượng nào mất an toàn nhiều nhất, như chăn nuôi quy mô hay nhỏ lẻ. Từ việc quy định rất cụ thể này, có những cách kiểm soát sản phẩm đầu ra. Họ chỉ ngăn cấm khi có một số chất vượt quá ngưỡng để đảm bảo sự an toàn” - ông Hiếu nói và cho rằng Bộ Y tế cần thay đổi tư duy chứ không quản lý bằng những giấy xác nhận.
Cũng theo ông Hiếu, thay vì cấp các giấy phép… vô hồn thì Bộ Y tế nên chuyển sang phương pháp giám sát. “Tại sao không phải là bác sĩ của DN để hướng dẫn, giúp đỡ họ? Như vậy sẽ thân thiện hơn nhiều!” - ông Hiếu đặt vấn đề.
Bộ Y tế sẽ giao cho các địa phương quản lý các cơ sở ăn uống và thức ăn đường phố theo kinh nghiệm của Thái Lan, Singapore. |
Cái gì bỏ được thì bỏ hết
Không chỉ ATTP, các lĩnh vực khác cũng đang tồn tại những ĐKKD làm khó DN. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh thừa nhận dù chỉ tiêu cấp phép xây dựng của Việt Nam luôn đứng thứ ba trong các nước ASEAN nhưng thời gian thực hiện thủ tục này ở Việt Nam còn khá cao, tới 166 ngày.
Bởi vậy, một trong những biện pháp của bộ này là thực hiện đồng thời các thủ tục. “Thực tế, Bộ Xây dựng đã có quy chế với Bộ Công an thực hiện đồng thời thủ tục về PCCC và thời gian của DN đã giảm được 30%” - bà Hạnh dẫn chứng.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, đơn vị mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm 675 ĐKKD, cho hay: Việc tuyên bố cắt giảm số lượng lớn ĐKKD như trên là bước đầu tiên. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để đạt được những kết quả phù hợp, đáp ứng được mong muốn của cộng đồng DN. “DN có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương có thể cắt giảm tới 80%, thậm chí là 90% các ĐKKD hiện hành” - ông Tân cho biết.
Cụ thể hơn một chút về các ĐKKD được dự kiến cắt giảm, ông Tân cho hay đó là những quy định về cơ sở, nhà xưởng, những quy định về khoảng cách an toàn. Hay đối với kinh doanh gas, gạo thì những ĐKKD về quy mô, trang thiết bị, thậm chí là quy hoạch về cơ bản sẽ được bộ này bỏ. “Cơ bản là chúng tôi bỏ hết! Quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm” - ông Tân nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm bỏ ĐKKD trói DN là thay đổi tư duy quản lý, ông Hiếu nhận định rằng: “Hiện mới có gần 500.000 DN mà quản lý đã thế này rồi. Sắp tới có thể là 2 triệu, 3 triệu DN thì ngay cả quản lý hậu kiểm cũng khó khăn. Chúng ta nên chuyển hẳn cách quản lý, từ việc trói DN sang việc tạo ra môi trường linh hoạt, tạo điều kiện cho DN” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Mỗi chữ 1 tỉ Các bộ, ngành có thể hiểu mỗi khi các vị yêu cầu DN cung cấp thêm một giấy tờ nào đó, họ có thể phải chạy đôn chạy đáo. Nhiều điều này góp phần tạo ra thất bại cho DN một cách đau đớn. Vì nhiều khi không phải do thị trường, không phải từ cạnh tranh hay DN kém thông minh, đơn giản chỉ vì thủ tục của chúng ta hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian. Một chữ chúng ta viết ra có thể gây chi phí cả tỉ đồng cho DN, cho xã hội. Vì vậy, cái quan trọng nhất là chúng ta đưa ra quy định gì, viết ra cái gì, vừa phải đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của xã hội vừa phải thực sự giảm được chi phí cho DN. Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng CIEM |
Theo Chân Luận (Pháp Luật TP.HCM)