Chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng dần cùng tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh với Tokyo là hai yếu tố khiến giới doanh nghiệp Nhật Bản muốn sản xuất ở Việt Nam thay vì đại lục.
Dự án Cảng Container quốc tế Hải Phòng do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, đối tác Molnykit (Nhật Bản) và Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng triển khai dưới hình thức hợp tác công-tư (PPP) theo chủ trương của chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.
Cảng sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2018 và tăng gấp đôi công suất của cảng hiện nay để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của những khu công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử gần Hà Nội, Financial Times đưa tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công 2 bến khởi động thuộc Hợp phần B của Dự án Cảng Container quốc tế Hải Phòng hôm 12/5. Ảnh: chinhphu.vn. |
Khi trả lời phỏng vấn của Financial Times, ông Junichiro Ikeda, Chủ tịch Mitsui OSK Lines, xác nhận quyết định đầu tư vào cảng container quốc tế Hải Phòng là phản ứng của hãng trước tình trạng nhiều công ty Nhật Bản đóng cửa nhà máy ở phía nam Trung Quốc và chuyển hoạt động sản xuất tới những vùng có chi phí nhân công rẻ hơn ở Việt Nam.
“Đây không phải lời đồn đoán, mà là thực tế. Tôi tin chắc 100% rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển”, ông Ikeda nói.
Từ khi các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản bùng nổ trên tại những thành phố lớn ở Trung Quốc trong năm 2012, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào khu vực Đông Nam Á tăng mạnh. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Nhật Bản vào ASEAN đạt hơn 20 tỷ USD trong năm ngoái, theo dữ liệu của chính phủ, và vượt tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, Hong Kong.
Kết quả một cuộc khảo sát thường niên quy mô lớn do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản thực hiện cho thấy tỷ lệ công ty Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm xuống mức dưới 40% từ năm 1998.
Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe hơi của một công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Một báo cáo khác - do Viện Nghiên cứu Mizuho công bố năm nay sau khi khảo sát ý kiến của hơn 1.000 nhà sản xuất Nhật Bản – cho thấy Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong số 12 quốc gia đàm phán Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với những công ty muốn tăng vốn đầu tư.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia mà doanh nghiệp Nhật Bản coi là lý tưởng để xây dựng nhà máy nếu họ chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc.
Rajiv Biswas, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức HIS Global Insight, nhận định rằng động thái của Mitsui OSK phù hợp với tầm nhìn xa của giới doanh nghiệp Nhật Bản. Nhiều báo cáo dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của các nước ASEAN sẽ tăng từ mức 2,6 nghìn tỷ USD hiện nay lên 5,8 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
“Chi phí nhân công tăng dần ở Trung Quốc đang thay đổi quan niệm của giới doanh nghiệp Nhật Bản về vao trò của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tôi nhận thấy Việt Nam là thiên đường mới nổi của các sản phẩm điện tử. Thực tế ấy sẽ thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, Biswas lập luận.
Theo Biswas, ngoài triển vọng là trung tâm xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ, Việt Nam cũng có thể trực tiếp cung cấp hàng hóa cho các thị trường thuộc ASEAN trong bối cảnh dân số của khối sắp đạt mức 700 triệu người.
Theo Quân Vũ (Zing.vn)