Theo nội dung văn bản này, chỉ riêng quy định về giấy ủy quyền trong Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương đã có ý nghĩa và tác động như một điều kiện kinh doanh, là "cái cớ cho các hãng xe ép các doanh nghiệp Việt Nam".
"Đã có những doanh nghiệp trong chúng tôi làm ủy quyền cho một số hãng, nhưng họ ép về doanh số, giá, chất lượng sản phẩm. Họ cho gì chúng tôi được nhập đấy, không có sự lựa chọn", đại diện nhóm doanh nghiệp nói.
Các doanh nghiệp cho rằng giấy uỷ quyền đã kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp ôtô Việt. |
Đặc biệt, qua 5 năm triển khai, các đơn vị cho rằng Thông tư 20 còn tạo điều kiện cho các xe Trung Quốc tràn vào Việt Nam, vì chỉ cần một giấy ủy quyền chính hãng là đã nhập được xe. Trong khi đó, các hãng xe Trung Quốc rất dễ dàng cấp giấy ủy quyền cho các doanh nghiệp Việt, miễn sao bán được hàng cho họ mà không có bất kỳ một ràng buộc khắt khe nào.Theo phản ánh của các doanh nghiệp này, trong trường hợp làm tốt, các hãng xe sẽ yêu cầu góp vốn. Nếu nhà nhập khẩu không đồng ý, các hãng có thể cắt uỷ quyền và cấp cho người khác ngay. "Thông tư 20 đẩy doanh nghiệp ôtô nhỏ và vừa luôn bị động và phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng xe nước ngoài. Họ mặc nhiên có quyền sinh quyền sát đối với các doanh nghiệp Việt Nam", văn bản nêu.
"Khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập được xe chất lượng cao từ các nước phát triển thì sẽ sẵn sàng làm đại lý bán xe Trung Quốc, nên việc giữ lại Thông tư 20 chỉ làm cho Việt Nam thành bãi xe ôtô con của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, xe Trung Quốc chất lượng thấp nên người tiêu dùng đã không lựa chọn", nhóm doanh nghiệp nêu.
Bên kiến nghị cũng nhận định qua vài chục năm, các mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn chưa đạt được, dù Nhà nước đã cấp khá nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, đất đai… cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô kiêm nhập khẩu, kinh doanh ôtô.
Các điều kiện kinh doanh của Thông tư 20 được nhận định đã tạo ưu đãi kép (lập hàng rào phi thuế quan) cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô, trong khi họ không nỗ lực thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành công nghiệp ôtô lẫn ngành công nghiệp cơ khí. Không có bất kỳ một bảo đảm nào về mối quan hệ của việc hạn chế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc với sự phát triển thành công của Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô.
Ngược lại, việc mở rộng nhập khẩu ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống sẽ tác động tới việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giảm giá thành của ôtô lắp ráp trong nước, cũng tương tự như xe máy Trung Quốc giá rẻ tràn vào bắt buộc các hãng lắp ráp xe máy phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để giành lại thị phần.
"Trong 5 năm qua, hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn do không thể nhập khẩu được. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào các showroom, thuê nhân viên, đầu tư các gara sửa chữa để bảo hành cho khách nhưng nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự nổi đã phải đóng cửa", nhóm doanh nghiệp bày tỏ.
Các đơn vị này cũng khẳng định việc nhập khẩu ôtô không ảnh hưởng nhiều đến nhập siêu của đất nước. Về cáo buộc trốn thuế trong những năm qua, doanh nghiệp cho rằng Bộ Tài chính đã ra quy định để không chấp thuận khi họ khai giá thấp.
"Thông tư 20 bắt buộc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô của thương nhân nhập khẩu phải đầu tư trang thiết bị chuyên dùng hàng tỷ đồng. Thực tế, những thiết bị này chỉ được dùng trong những trạm kiểm tra xe trước khi xuất xưởng của cơ sở sản xuất lắp ráp ôtô và Trạm đăng kiểm ôtô của Cục Đăng kiểm. Điều kiện này gây khó khăn và tổn thất rất lớn cho doanh nghiệp, không phát huy được tính linh hoạt của thị trường", nhóm doanh nghiệp nói và cho biết tất cả ôtô không có giấy uỷ quyền muốn lưu thông trên đường đều phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của nước sở tại là Việt Nam và Cục Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Vì vậy, nhóm doanh nghiệp nêu trên đề nghị bãi bỏ Thông tư 20 nhằm hướng đến sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường ôtô Việt Nam.
Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 nhằm hướng dẫn việc nhập khẩu xe dưới 9 chỗ chưa qua sử dụng vào Việt. Việc yêu cầu đơn vị nhập khẩu phải có hai giấy phép là giấy chứng nhận uỷ quyền nhập khẩu, phân phối của chính hãng hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chính quy định này đã loại hàng nghìn doanh nghiệp ôtô nhỏ ra khỏi cuộc chơi, thị phần nhập khẩu chủ yếu thuộc về tay một số ông lớn liên doanh, phân phối. Sau 5 năm triển khai, ngày 1/7 Thông tư 20 đã hết hiệu lực và hiện hai trường phái vẫn tranh cãi quyết liệt với việc một bên muốn giữ các quy định, còn bên kia muốn bãi bỏ, mở cửa thị trường. |