Doanh nghiệp nào đứng sau dự án treo 14 năm liên quan đến Tiến Đạt?

14/09/2018 14:43:05

Rapper Tiến Đạt: 'Tiền đền bù đất không đủ cho tôi mua cánh cửa'

Chủ đầu tư dự án treo 14 năm ở Thạnh Mỹ Lợi là liên doanh 3 bên, trong đó Mesa Group chính là doanh nghiệp của nữ đại gia Lưu Thị Tuyết Mai. Đơn vị này đã chuyển nhượng một phần.

Từng được giao cho Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong 14 năm về trước, dự án khu dân cư rộng 120 ha tại phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống.

Sau 7 năm án binh bất động kể từ khi được giao dự án, năm 2011, công ty này xin phép UBND TP.HCM thành lập doanh nghiệp cổ phần mang tên Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi để tiếp tục triển khai dự án. Thạnh Mỹ Lợi cũng chính là một trong 2 đơn vị đề xuất UBND TP.HCM lựa chọn đầu tư dự án đường ven sông Thạnh Mỹ Lợi - cầu Giồng Ông Tố.

Một trong 50 nữ đại gia ảnh hưởng nhất Việt Nam

Công ty Thạnh Mỹ Lợi là liên doanh của với sự góp mặt của Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong và hai đối tác là Công ty dịch vụ và thương mại Mesa (Mesa Group) và Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đại Phước.

Mesa Group không phải cái tên xa lạ với giới kinh doanh Việt. Đây là một trong những tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực phân phối và thực phẩm. Bà chủ của Mesa Group chính là nữ đại gia Lưu Thị Tuyết Mai, một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do Tạp chí Forbes bình chọn. Hiện bà Mai cũng là người đại diện pháp luật tại Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi.

Doanh nghiệp nào đứng sau dự án treo 14 năm liên quan đến Tiến Đạt?
Hơn một thập niên nhưng dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi vẫn là bãi đất trống. Ảnh: Lê Quân.

Khởi đầu của Mesa vào năm 1991, khi bà Mai mở một công ty tư nhân phân phối sản phẩm mì ăn liền Miliket và các sản phẩm tiêu dùng với quy mô 3 nhân viên. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Đến nay doanh nghiệp này được đánh là là nhà phân phối thuộc loại lớn nhất Việt Nam với 2.500 nhân viên, doanh thu trên 4.500 tỷ đồng mỗi năm. Tập đoàn là đối tác phân phối lớn nhất của Procter & Gamble (P&G) với hơn 150.000 cửa hàng bán lẻ. Ngoài ra, công ty còn phân phối cho Nestlé, Shell...

Mesa hiện là đối tác nhượng quyền thương mại của nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng nước ngoài như Carl's Jr, Texas Chicken, MK Suki, nhà hàng Nhật Bản Ootoya và Round Table Pizza... 

Doanh nghiệp cũng từng tham gia vào lĩnh vực điện ảnh với phim trường mang tên Mesa Studios đặt tại Hưng Yên.

Trong lĩnh vực chính là thực phẩm, khẩu vị của Mesa tập trung vào các doanh nghiệp cổ phần hóa của Nhà nước. Thông qua các công ty và cá nhân liên quan, tập đoàn hiện sở hữu trên 20% vốn tại Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (CMN). Bà Mai hiện cũng là Chủ tịch HĐQT tại công ty sở hữu thương hiệu mì tôm Miliket nổi tiếng này.

Đầu năm 2018 vừa qua, thông qua hàng loạt cá nhân Mesa cũng đã thâu tóm xấp xỉ 51% vốn tại Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Hà (HHC) do Tổng công ty Thuốc lá (Vinataba) thoái vốn từ đầu năm 2017.

Cụ thể, hai cổ đông lớn nhất tại Hải Hà hiện nay là bà Trương Thị Bửu và ông Lưu Văn Vũ, mỗi người 24%. Vợ ông Vũ, bà Trương Tú Phượng. cũng sở hữu khoảng 2,94%. Tổng cộng nhóm cổ đông này sở hữu tới 50,94% vốn Hải Hà. Trong khi ông Lưu Văn Vũ là em trai bà Lưu Thị Tuyết Mai thì bà Trương Thị Bửu cũng là người có liên quan tới Mesa Group.

Doanh nghiệp nào đứng sau dự án treo 14 năm liên quan đến Tiến Đạt? - 1
Nữ đại gia Lưu Thị Tuyết Mai. Ảnh: Forbes.

Ngoài ra, bà Mai hiện cũng đảm nhiệm vai trò Thành viên HĐQT tại Hải Hà, Thành viên HĐQT tại Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến lương thực Vĩnh Hà (VHF)...

Trả lời báo giới trước đây, ông Lưu Văn Ngọc, Giám đốc điều hành Mesa Group, cho biết tập đoàn chính thức lấn sân sang lĩnh vực bất động sản từ năm 2009 với dự án Mesa Tower ở quận 4, TP.HCM. Doanh nghiệp này còn triển khai một dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM; Khu đô thị mới ở Cam Ranh và Đồng Nai...

Một số nguồn tin cho biết Mesa Group hiện đã chuyển nhượng một phần dự án này cho Tập đoàn Novaland của đại gia Bùi Thành Nhơn, thông qua các hợp đồng M&A.

Novaland nói gì?

Theo hồ sơ niêm yết hồi năm 2017 của Novaland, tập đoàn sở hữu 99,9% cổ phần trong một dự án chưa được tiết lộ mang tên Dự án C rộng 1,78 triệu m2 (hơn 178,29 ha) tại quận 2. Đây là dự án có giá trị lớn nhất trong quỹ đất của Novaland từ trước đến nay với định giá khoảng 361 triệu USD.

Những thông tin này trùng khớp với dự án khu đô thị mới Thạnh Mỹ Lợi mà Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi làm chủ đầu tư. Novaland cũng lưu ý trong hồ sơ niêm yết rằng tỷ lệ 99,9% sở hữu chỉ là con số mong muốn.

Doanh nghiệp nào đứng sau dự án treo 14 năm liên quan đến Tiến Đạt? - 2
Khu đông TP.HCM bao gồm phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 luôn được Novaland nhắc tới như điểm nóng bất động sản TP.HCM. Ảnh minh họa: Lê Quân.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Novaland xác nhận doanh nghiệp này có liên quan đến dự án phát triển trên khu đất trong đó có phần đất do gia đình rapper Tiến Đạt sở hữu. Vị này cho biết Novaland liên quan thông qua các hợp đồng rót vốn, M&A.

Nữ đại gia Lưu Thị Tuyết Mai cũng được nhắc tới trong câu chuyện trao đổi với Novaland về vụ việc của gia đình rapper Tiến Đạt, với tư cách đại diện đơn vị chuyển nhượng cho Novaland. Tuy nhiên, vị này từ chối cung cấp thêm chi tiết về việc góp vốn của Novaland trong dự án khai thác quỹ đất Thạnh Mỹ Lợi.

Một nguồn tin cho biết hiện Novaland nắm giữ khoảng 30% vốn tại dự án Thạnh Mỹ Lợi. 

Trước đó, hồi tháng 2 vừa qua, Novaland cũng đã trở lại với dự án Thạnh Mỹ Lợi rộng 83 ha bằng việc góp vốn thành lập Công ty Thạnh Mỹ Lợi 234 với vốn 200 tỷ đồng, trong đó, Novaland góp vốn 49,9%. Thông tin từ doanh nghiệp cho biết đây là một trong những dự án trọng điểm của Novaland từ năm 2016 nhưng đã "ngủ yên" khá lâu.

Vừa qua, Novaland cũng đã góp thêm gần 5.500 tỷ đồng vào Công ty cổ phần địa ốc No Va Mỹ Đình. Đây chính là công ty chuyên phụ trách phát triển quỹ đất phía đông TP.HCM của tập đoàn này.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật