Doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên vật liệu

28/02/2020 09:14:10

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các ngành sản xuất Việt Nam đang chịu tác động lớn từ Covid-19. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đối diện việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.

Doanh nghiệp lao đao vì thiếu nguyên vật liệu
Ảnh minh họa

Đây là nội dung được đưa ra tại cuộc họp chiều mới đây do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sản xuất, vấn đề thiếu nguyên liệu của nhiều ngành xuất khẩu vài chục tỷ USD tiếp tục được bàn luận.

Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất các hàng hoá trung gian cho các ngành công nghiệp thế giới, đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ lớn của rất nhiều ngành hàng đa quốc gia. Do đó, ảnh hưởng của Covid 19 tại Trung Quốc sẽ tác động lớn các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối và dịch vụ các nước trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

Tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tại Việt Nam càng trở nên trầm trọng khi các ngành hàng đóng góp kim ngạch xuất khẩu vài chục tỷ USĐ như điện tử, da giày, dệt may... đều phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc.

Mối đe dọa càng trở nên khủng khiếp hơn khi Hàn Quốc, thị trường có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu trên 47 tỷ USD trong năm 2019 cũng đang gia tăng số người mắc Covid-19.

"Hiện nay, các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện để sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020, còn dệt may, da giày chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn”, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, sản xuất nhiều ngành công nghiệp trọng điểm chỉ duy trì tới giữa tháng 3, rất khó để tìm giải pháp cải thiện ngay được vấn đề nguyên liệu do mức độ phụ thuộc lớn.

Trước khó khăn về nguyên liệu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan thuộc Bộ cần tiếp tục phân tích dự báo đồng thời xây dựng đối sách để ứng phó.

Bộ Công Thương cũng đề xuất đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số mặt hàng quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới… để khắc phục khó khăn từ bên ngoài.

Theo tính toán, với ngành điện - điện tử, năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Hàn Quốc đã là khoảng 32 tỷ USD.

Ngành dệt may và da giày, túi xách, nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và khoảng 13 tỷ USD cho vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu. Với ngành sản xuất lắp ráp ôtô, năm 2019, Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện. Trong đó nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc là khoảng 2,6 tỷ USD.

Với mức chi nhập khẩu kể trên, sự phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại các thị trường có dịch Covid-19 lan rộng rất khó để xoay xở tìm nguồn cung bù đắp lượng thiếu hụt. Trong khi đó, bản thân các nhà máy sản xuất các sản phẩm nguyên phụ liệu đầu vào cho Việt Nam tại Trung Quốc hiện nay cũng đang tạm thời ngừng sản xuất hoặc hoạt động rất ít trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng.

Trước đó, các doanh nghiệp cho hay, những ngày gần đây, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia có số lượng người nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới. Đây tiếp tục là một thông tin làm "đau đầu" các doanh nghiệp sản xuất. Bởi rất có thể khi Hàn Quốc bùng dịch, các hoạt động giao thương, đi lại cũng sẽ bị hạn chế như với Trung Quốc, trong khi đây cũng là một trong những quốc gia quan trọng cung cấp nguồn nguyên phụ liệu, linh kiện cho các ngành sản xuất như: Dệt may, điện tử…

Thậm chí, trước đó, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã cho biết phải chuyển phương án sang nhập khẩu từ Hàn Quốc, chấp nhận chi phí cao hơn khoảng 15%. Nhưng với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp thật sự đang "ngồi trên đống lửa" và tiếp tục tìm kiếm thị trường cung cấp nguồn hàng mới.

Thực tế là nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm nguồn cung ở những thị trường khác ngoài Trung Quốc như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... nhưng khó khăn về giá cũng khiến các doanh nghiệp phải tính toán, bởi giá nguyên liệu đầu vào cao sẽ kéo theo giá sản phẩm tăng, gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Vì thế, trong động thái mới đây, các doanh nghiệp thuộc Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao TP. HCM (Chi hội SBA) đã có văn bản kiến nghị về việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Các doanh nghiệp thuộc Chi hội này cho rằng, việc thiếu hụt nguyên vật liệu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc đáp ứng đơn hàng đã lên kế hoạch cho quý I/2020 sẽ bị đình trệ và một số lượng lớn người lao động sẽ thiếu việc làm trong tháng 2 và tháng 3 tới.

Theo Thành Công (Báo Dân Sinh)

Nổi bật