Đợt điều hành xăng dầu lần thứ 2 của tháng 3 (ngày 18/3), Quỹ bình ổn xăng dầu đã được xả ở mức kỷ lục để bù chênh lệch với giá cơ sở, hơn 2.800 đồng một lít xăng E5 RON 92 và trên 2.600 đồng một lít với RON 95. Các mặt hàng dầu cũng được Quỹ này "gánh" 1.340-1.640 đồng một lít, tùy mặt hàng.
Cuối năm 2018 Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã giảm 1.600 tỷ đồng so với cách đó một năm, từ mức 3.500 tỷ. Việc xả Quỹ bình ổn xăng dầu đang tạo áp lực rất lớn khi nguồn dư quỹ dần cạn kiệt.
Trước khi điều chỉnh giá xăng dầu ngày 18/3, tồn Quỹ bình ổn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 655 tỷ đồng, giảm một nửa so với đợt điều hành đầu tháng 3. Nhưng để giữ giá bán lẻ, số dư quỹ tại doanh nghiệp này giảm đáng kể.
Trong khi đó, một đơn vị xăng dầu đầu mối phía Nam cho biết, hiện quỹ bình ổn của đơn vị này đã âm 300 tỷ đồng sau đợt xả mạnh vừa rồi và doanh nghiệp đang phải ứng vốn để bù số này. "Quỹ bình ổn xăng dầu được Nhà nước để ở doanh nghiệp có lúc âm, lúc dương nhưng chưa bao giờ con số âm quỹ lại lớn như hiện tại. Về nguyên tắc doanh nghiệp phải xoay xở, vay ngân hàng để bù số này", ông nói và cho hay nếu tình hình này kéo dài doanh nghiệp không thể co kéo nổi.
Nằm trong số ít doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện còn dương quỹ bình ổn, 200 tỷ đồng, nhưng đại diện đơn vị này nói, "chưa bao giờ Quỹ bình ổn xăng dầu của họ lại xuống thấp tới mức này".
Theo ông, doanh nghiệp liên tục phải nhập, mua xăng dầu giá cao, nhưng từ đầu năm giá bán lẻ liên tục giữ nguyên và kỳ điều hành ngày 18/3 như một cú bồi, khiến số dư quỹ giảm trầm trọng. "Điều này rõ ràng ảnh hưởng xấu tới tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp", vị này nói thêm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khá bất ngờ với mức xả quỹ bình ổn xăng dầu vừa qua. Ông cho rằng, quyết định tiếp tục dùng Quỹ bình ổn khiến khả năng dự phòng quỹ giảm mạnh, tạo áp lực lớn cho công tác điều hành các kỳ tiếp theo khi xu hướng giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang.
"Điều hành như vậy là giật cục, ngắn hạn và chưa có tầm nhìn xa", ông Long nói và nêu quan điểm, ở kỳ điều chỉnh giá ngày 18/3, nhà điều hành hoàn toàn có thể tăng giá một phần và xả quỹ một phần để tránh đi ngược nhịp thị trường thế giới, gây những cú sốc về giá sau này.
Lý giải việc tiếp tục xả Quỹ bình ổn ở mức cao, liên bộ Công Thương - Tài chính lập luận nhằm hạn chế tác động tăng của giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát. Việc điều hành giá xăng dầu như trên theo cơ quan quản lý cũng để phù hợp với bối cảnh giá điện tăng từ 20/3, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên chuyên gia Ngô Trí Long không đồng tình. Ông phân tích, giá xăng điều chỉnh tăng sẽ được ghi nhận và tác động ngay vào CPI của tháng đó. Còn giá điện tăng thì có độ trễ do sang tháng sau các hộ dùng điện mới thanh toán hóa đơn. Vì thế việc tăng giá điện từ 20/3 phần lớn ghi nhận vào CPI tháng 4 trở đi, trong khi đó, giá dầu thế giới vẫn tiếp đà tăng nên sẽ tạo áp lực lên cho giá dầu ở kỳ điều hành đầu tháng 4.
"Công tác điều chỉnh giá luôn phải chừa lại dư địa đủ để xoay xở trong năm. Khi quỹ còn ít, khó tránh khỏi tình huống giá xăng dầu sau khi bị kìm quá mạnh buộc phải bung ra tăng sốc", ông Long cảnh báo.
Chuyên gia này nhấn mạnh, Quỹ bình ổn xăng dầu nên dự phòng cho những lúc khác quan trọng hơn trong năm, nhất là cuối năm hoặc sau khi tăng giá điện theo lộ trình.
Theo Anh Minh (VnExpress.net)