Doanh nghiệp cho rằng buộc công ty phân phối phải có đủ 100.000 bình gas là “quá sức tưởng tượng”.
Nhu cầu ít mà phải trữ nhiều
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Gas Cao Bằng, cho hay dân số tỉnh Cao Bằng hiện khoảng 600.000 người, trong đó hơn một nửa dân số dùng củi nấu nướng.
Mỗi tháng thị trường Cao Bằng chỉ cần khoảng 60 tấn gas, tương đương 4.000 bình gas. Nếu tính chu kỳ ba tháng người dân thay gas một lần thì một DN chỉ cần 16.000 vỏ bình gas là đã đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Thế nhưng Nghị định 19 lại yêu cầu các công ty kinh doanh khí phải có 100.000 vỏ bình gas. Đây là một quy định không cần thiết. Hiện riêng công ty tôi có 50.000 vỏ mà đã chất đống 30.000 bình rồi, chỉ sử dụng khoảng 20.000 vỏ bình là đã thừa nhu cầu thị trường. Đó là chưa kể ngoài công ty tôi, hiện còn có nhiều công ty khác cũng đang phân phối gas tại Cao Bằng như Thăng Long Gas, VM, Ngọn Lửa Thần” - ông Công nói.
Nhiều công ty khác cũng gặp khó khăn tương tự. Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng (TP Hà Giang), đặt vấn đề: “Tại sao các tỉnh miền núi, hải đảo dân số ít, thu nhập thấp mà bắt buộc phải đầu tư số lượng vỏ bằng với các tỉnh có dân số lớn? Tại sao quy định phải đầu tư nhiều như vậy, có đúng quy luật thị trường không? Sản xuất vỏ xong mang đi đâu khi mà người mua không có?...”.
Không chỉ có vậy, nhiều DN cho biết họ không có đất hoặc không biết kiếm đâu ra đất để làm kho khi phải mua thêm rất nhiều vỏ bình gas để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 19. Đại diện Công ty Gas Ngọn Lửa Thần ở Hà Nội cho biết diện tích kho bãi 250 m2 của công ty sử dụng đã được sáu năm nay nhưng cũng chỉ sử dụng 70% công suất. Diện tích còn lại bỏ không.
“Nếu Nghị định 19 bắt phải tăng dung tích chứa lên, tăng số lượng vỏ bình, công ty tôi phải thuê thêm 2.500 m2, tốn phí thêm khoảng 5-10 tỉ đồng. Công suất hiện nay còn không sử dụng hết thì không hiểu tăng thêm để làm gì. Ấy là chưa nói đến việc thuê thêm 2.500 m2 đất để làm kho bãi cũng rất khó khăn trong thời điểm hiện nay” - đại diện công ty này than thở.
Quy định tại Nghị định 19 khiến DN tốn thêm nhiều khoản đầu tư không cần thiết. Trong ảnh: Vận chuyển, mua bán gas tại một đại lý. Ảnh: HTD |
Không công bằng với doanh nghiệp nhỏ
Nhiều công ty cho biết để đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 19, họ phải đầu tư thêm 25-50 tỉ đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với họ trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.
“Nếu thực sự có ích và có lý thì các DN sẵn sàng đầu tư để đáp ứng đòi hỏi của Nghị định 19, thậm chí vay vốn ngân hàng để tiếp tục mở rộng kinh doanh chứ cũng không có vấn đề gì. Vấn đề nằm ở chỗ những khoản đầu tư để đáp ứng nghị định này không hiệu quả kinh tế và không mang tính thị trường. đây là những yêu cầu phi lý” - ông Công tỏ vẻ bức xúc.
Một số DN khác thì cho rằng nghị định đặt ra những yêu cầu có thể tạo thế độc quyền cho một số công ty lớn chèn ép các đơn vị nhỏ, thậm chí đẩy các đơn vị nhỏ vào chỗ phải phá sản. “Một số điều kiện tại nghị định trên là không công bằng với DN nhỏ. Nó dường như dọn đường cho các “ông lớn” ngành gas o ép, loại bỏ các DN nhỏ ra khỏi thị trường” - một DN xin giấu tên nói.
Để khắc phục những khiếm khuyết trên, ông Hà Thanh Tùng đề nghị không nên quy định về số lượng vỏ bình và tồn trữ để DN thực hiện kinh doanh theo đúng quy luật của thị trường. Trường hợp đó là điều kiện bắt buộc đối với nhóm ngành kinh doanh có điều kiện thì nên quy định ở mức thấp nhất đối với một trạm chiết là 50.000 vỏ bình gas và tồn trữ 150 m3.
“Bên cạnh đó, cần tăng mức xử phạt đối với các đơn vị vi phạm để hoạt động kinh doanh gas phát triển lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế và nộp thuế cho ngân sách nhà nước” - ông Tùng nói.
Nhiều DN khác cũng cho rằng việc kiểm soát chặt kinh doanh gas là đúng nhưng phải hợp lý. Đặc biệt cần tạo ra môi trường bình đẳng để các DN cùng cạnh tranh lành mạnh và Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào thị trường.
Người mua gas chịu thiệt Để đáp ứng Nghị định 19 về kinh doanh khí, các DN sẽ phải mua thêm hàng chục ngàn vỏ bình gas, tốn thêm hàng chục tỉ đồng. Sau đó phải thuê một cái kho và người trông coi để chứa số bình đó, vì nhu cầu của thị trường không sử dụng hết. Toàn bộ chi phí này sẽ phải được DN chuyển vào giá bán gas, đổ lên đầu người dân. Có ý kiến cho rằng thị trường hiện nay có quá nhiều DN, gây cạnh tranh không lành mạnh, mất an toàn nên phải giảm bớt, gom số đầu mối lại. Có quan chức còn lấy ví dụ thị trường Thái Lan chỉ có năm nhà cung cấp, quy mô lớn, kinh doanh chuyên nghiệp, an toàn, chất lượng tốt, trong khi Việt Nam có đến vài chục DN. Nhưng tôi cho rằng lập luận như vậy là chưa thật sự thuyết phục. Đơn cử việc Thái Lan có năm DN là do kết quả của quá trình cạnh tranh, người tiêu dùng quyết định việc ai làm tốt ở lại, ai làm kém ra đi chứ không phải là do chính phủ Thái Lan bắt ép DN lớn ở lại, DN nhỏ ra đi. Do vậy, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần lắng nghe tiếng kêu của các DN ngành gas để có sự điều chỉnh. Ông NGUYỄN MINH ĐỨC, Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trao đổi với PV về Nghị định 19, một lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết việc quy định điều kiện vỏ bình và bồn chứa là để các DN có điều kiện phát triển, tham gia vào thị trường gas. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, đem lại quyền lợi cho người tiêu dùng. “Đã là thị trường thì mọi DN đều bình đẳng, không thể nghiêng về bất cứ DN nào. DN đừng nghĩ đến sẽ có cơ chế đặc thù nào đến với họ, xu thế phát triển là phải theo hướng hình thành những DN lớn đủ năng lực cạnh tranh” - vị này nói. TRÀ PHƯƠNG |