Những tháng đầu năm 2020, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu ngấm đòn của Covid -19. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu resort lớn bắt đầu thưa vắng du khách. Nhưng thời điểm đó, không ai tưởng tượng ra một viễn cảnh đen tối sẽ kéo đến, bao phủ du lịch Việt Nam cho đến tận hôm nay và tiếp tục kéo dài sang cả những ngày tháng rất dài trước mắt.
Bắt đầu 'ngấm đòn'
Khi Covid-19 mới bùng phát, dân du lịch, khách sạn cùng lắm cũng chỉ nghĩ, khó khăn là nhất thời, một vài tháng sẽ qua đi. Ngày 20/2/2020, chị Phạm Thị Hằng Giám đốc chuỗi khách sạn Emerrald Waters Hotel tại Hà Nội buộc lòng phải tổ chức một buổi chia tay theo cách chưa từng có với hàng chục nhân viên của mình.
Chị Hằng nói trong tâm trạng nghẹn đắng: "Dịch Covid-19 lần này quá khủng khiếp. Gần 3 tháng nay, công ty tổn thất hơn 20 tỷ, đây là cái con số mà cả cuộc đời mình tích góp. Nếu tình hình này kéo dài trong 4 tháng, những bạn quyết định về quê rồi quay trở lại làm việc sẽ được công ty hỗ trợ một khoản gọi là lương thất nghiệp 1,5 triệu đồng/ tháng. Thời điểm này, công ty không có tiền để trả lương. 10 ngày hôm nay, gom tiền trả tiền điện thôi cũng đã rất khó khăn rồi.
Giờ phút này không còn phân biệt chức vụ hay cấp bậc nữa, đây là lúc chúng ta sống như nhau và được đối xử như nhau. Anh bếp trưởng bình thường 20 triệu giờ cũng 4 triệu, nhân viên bellman lương 4 triệu rưỡi giờ cũng nhận 4 triệu. Đây là mức công ty đã cân đối, đủ để cho mọi người ăn, để sống qua ngày."
Buổi chia tay mà chị Hằng hy vọng sau 4 tháng sẽ gặp lại đó, đã không thành hiện thực. Dịch bệnh kéo tới Việt Nam trong gần 2 năm và không dừng lại đã từ từ, chậm rãi hạ "knock out" từng doanh nghiệp, tước bỏ đi hàng triệu việc làm của người lao động.
Và đến giờ thời điểm hiện tại, tình hình còn bi đát hơn rất nhiều. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không chỉ dốc hết vốn liếng tích cóp mà bắt đầu phải vay mượn để "ăn đong" đúng nghĩa.
Cố gắng cầm cự
Ngày 15/6/2021, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh phối hợp cùng Chi hội tàu du lịch Hạ Long tổ chức đối thoại cùng các chủ tàu để tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp làm du lịch trên vịnh Hạ Long.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc công ty CP thương mại và du lịch Hoàng Phương nói trong nước mắt, giữa cuộc họp có hàng trăm người, cũng đều là các chủ doanh nghiệp tàu du lịch đang lâm vào cảnh khốn đốn như mình. "Tôi không còn sĩ diện gì nữa, chính tay tôi đã phải ký vào giấy nhận nợ với 1 đối tác tín dụng đen. Tôi đã khóc. Nhưng không ký thì sao, thì không có tiền, công nhân không thể sống".
Cũng theo nữ doanh nhân này, công ty của bà vay 60 tỷ của tổ chức tín dụng để đóng mới tàu vỏ sắt nghỉ đêm trên vịnh, khi dịch Covid-19 bùng phát bà tính đến chuyện bán tàu để trang trải nợ nần. Tuy nhiên, con tàu đóng mới trị giá 60 tỷ, sau hơn 1 năm nằm bờ có doanh nghiệp đến trả giá xuống còn 30 tỷ.
Một nữ chủ tàu khác cũng không giấu được nước mắt trong buổi họp kể trên, chị cho biết, trước đây gia đình có 2 ô tô thì nay đã bán đi tất cả để trả lãi ngân hàng. Và khi không thể có tiền đáo hạn, họ buộc phải tìm đến tín dụng đen với mức lãi suất trên trời. Nhưng nếu không vay, thì không còn cách nào khác để có thể cầm cự và chờ đợi.
Việc cầm cự, chờ đợi của các chủ tàu sẽ khó khăn hơn rất nhiều những cơ sở lưu trú trên đất liền. Vì tàu nằm ở dưới biển, chỉ không hoạt động vài tuần, tình trạng han gỉ sẽ xuất hiện, nội thất trên tàu cũng sẽ nhanh chóng bị nước muối phá hỏng nếu tàu thiếu hơi người.
Hàng tuần, những con tàu du lịch triệu đô này vẫn phải chạy ra chạy vào trong khoảng thời gian nhất định để hạn chế hư hỏng máy móc. Để vận hành tàu như vậy cũng cần một khoản kinh phí không nhỏ. Các chủ tàu đang được ngành chức năng động viên kiên nhẫn chờ đợi.
Vấn đề là chờ đợi đến khi nào thì không ai biết, không ai có thể trả lời. Từ khi bóng ma Covid xuất hiện, Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng lây nhiễm và làn sóng lần 4 này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn phức tạp, khó khăn hơn gấp bội do virus biến chủng.
Hy vọng
Tại Quảng Ninh, cánh cửa du lịch sau rất nhiều ngày "khóa trái cửa" thì đầu tháng 6 vừa qua chính quyền tỉnh này đã bắt đầu cho tái khởi động lại các hoạt động du lịch. Nhưng chỉ là du lịch nội tỉnh.
Du lịch nội tỉnh thực tế giống như động thái "an ủi" các doanh nghiệp, giúp họ hy vọng vào tương lai tươi sáng sẽ sớm đến, trên thực tế kiếm được tiền từ du khách trong tỉnh rất khó khăn. Du khách nội tỉnh ít người nào muốn bỏ một khoản tiền khá lớn để thăm quan hay trải nghiệm ở những danh thắng mà họ đã quá quen thuộc, thậm chí là đã chán mắt rồi.
Tình trạng "ngồi chơi xơi nước", đỏ mắt chờ dịch qua cũng là tình cảnh của hàng vạn doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, các hướng dẫn viên trên toàn quốc.
Hơn nữa, trong khi Covid-19 còn chưa được khống chế, hàng loạt những ngành nghề khác cũng thất điên bát đảo thì việc tiết kiệm tiền, hạn chế đi du lịch là điều mà nhiều người cũng sẽ làm.
Tương tự như tại Quảng Ninh, ở một thánh địa du lịch khác là Hội An, Quảng Nam cũng đang có vô số các doanh nghiệp đã "tắt thở". Báo cáo của Chi cục Thuế thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có hơn 250 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trong đó có 62 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60 - 90% nhân sự nghỉ việc.
Từ nhiều tháng qua, các chuyên gia kinh tế, cơ quan chức năng cũng đã đưa ra, đề xuất nhiều giải pháp nhưng các giải pháp cứu ngành du lịch sẽ không mấy khả thi khi rất nhiều tỉnh, thành đang phải đối phó với tình hình dịch bệnh tái bùng phát khá nặng. Đặc biệt những ngày gần đây là TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội...
Tin tức về số người mắc, số tỉnh thành thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly, đóng cửa du lịch... xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Du lịch, ngành công nghiệp không khói, nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước, ngành công nghiệp xanh cực kỳ quan trọng của Việt Nam đã không còn sức lực thể chịu đựng 4 cú đánh liên tiếp, cực nặng tay của đối thủ Covid-19.
Nói như chị Phạm Thị Hằng Giám đốc chuỗi khách sạn Emerrald Waters Hotel, nếu kinh doanh ngành khác, họ có thể đóng cửa, cất hàng hóa để chờ dịch bệnh qua đi rồi bán tiếp. Nhưng du lịch thì khác, tất cả đều phải trông chờ vào việc được mở cửa và có khách hay không.
Ngày 24/6, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Một nội dung trong bản kết luận của Thủ tướng Chính phủ được nhiều doanh nghiệp du lịch chú ý đó là: "Trong áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần lưu ý xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở, căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính; kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò, hiệu quả giám sát của Tổ Covid cộng đồng ở cấp cơ sở. Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình, thực hiện việc cách ly y tế tại nhà."
Anh Cao Văn Trung, chủ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh khách sạn nhỏ và homestay tại Hà Nội cho biết, từ chỉ đạo này của Thủ tướng, hy vọng các địa phương sẽ không vội vàng ngăn sông cấm chợ, sẽ bình tĩnh hơn để triển khai các biện pháp ứng phó. Đặc biệt là việc khoanh vùng cách ly phải làm thật gọn để tránh ảnh hưởng tới rất nhiều người dân, doanh nghiệp.
Nếu chỉ vì một vài ca nhiễm mà phong tỏa, giãn cách toàn bộ một tỉnh, một thành phố và cấm người ở địa phương khác tới địa phương mình thì chắc chắn, những doanh nghiệp du lịch sẽ không gượng dậy được dù có được "hà hơi thổi ngạt".
Anh Trung than thở: "Giai đoạn đầu chúng ta được coi là chống dịch giỏi nhất thế giới. Nhưng chống dịch giỏi mà không thể cứu được doanh nghiệp, không vực dậy được kinh tế thì... Phải tìm cách nào đó khác đi, chứ từ đầu dịch đến giờ tôi vẫn thấy cứ chống mãi một bài là cách ly, truy vết, phong tỏa diện rất rộng thế này... chắc là không ổn đâu".
Theo phản ánh của Hiệp hội du lịch Việt Nam (VITA), hiện có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động, khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho 60 - 90% nhân sự nghỉ việc.
Theo Song Hoàng (VnEconomy.vn)