Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để tồn tại và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới.
Theo ông Châu, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Tại TP.HCM, một tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động.
Ông Nguyễn Quang Thành, phụ trách kinh doanh của một chủ đầu tư tại Hà Nội, cho hay, trong 6 tháng, công ty cắt giảm hơn gần một nửa nhân sự, trong đó đa phần là nhân viên môi giới. Nguyên do vì hoạt động bán hàng đình trệ, doanh nghiệp buộc lòng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Theo ông Thành, biện pháp này mang tính ứng phó trong ngắn hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp thay đổi kế hoạch kinh doanh, trước mắt tập trung vào phân khúc cho thuê căn hộ và tìm kiếm các đối tác triển khai dự án.
Cách đây không lâu, một tập đoàn bất động sản tại TP.HCM thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Thời gian tới, doanh nghiệp này tập trung tất cả nguồn lực để tiếp tục triển khai hoàn thiện các dự án có quy mô lớn, dài hạn. Đồng thời, doanh nghiệp tiết giảm các hạng mục xây dựng chưa cần thiết, đồng thời tái cấu trúc, bố trí lại một cách hiệu quả nguồn lực của các dự án chưa triển khai.
Nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm các nền tảng để chuyển đổi số. Đầu tháng 12/2022, Vingroup công bố hợp tác Google Cloud chuyển đổi các ứng dụng SAP (phần mềm quy hoạch nguồn lực doanh nghiệp) từ những trung tâm dữ liệu tại chỗ sang cơ sở hạ tầng đám mây. Trước đó, Cen Land mua lại 100% nền tảng công nghệ bất động sản Cenhomes.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng, chuyển đổi số có thể thấy ngay những lợi ích như giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán. Về lâu dài, chuyển đổi số còn giúp thị trường lưu thông ổn định, minh bạch hơn, tăng tính thanh khoản.
Giải pháp bền vững
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Điều hành Công ty nghiên cứu bất động sản Savills Việt Nam, nhận định, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực mạnh mẽ trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, từ đó tăng trưởng một cách lành mạnh và bền vững hơn trong trung và dài hạn.
“Việc Chính phủ chủ động siết chặt các kênh huy động vốn như trái phiếu, tín dụng sẽ có những tác động ngắn hạn nhất định đến nhiều ngành nghề kinh doanh, sản xuất và dịch vụ trong nước, trong đó có bất động sản. Đổi lại, chúng ta sẽ thấy một thị trường tài chính minh bạch, tăng uy tín trong mắt các nhà đầu tư quốc tế”, ông nói.
Theo ông Lê Hoàng Châu, không “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết.
Bên cạnh đó, cần xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
Theo ông Neil MacGregor, giải pháp huy động vốn khả thi cho các doanh nghiệp là dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.
Theo Duy Anh (VietNamNet)