Doanh nghiệp bán 'đại hạ giá', gạo Việt lao dốc về mức thấp nhất thế giới

04/06/2024 10:52:27

Từng có thời điểm gạo Việt giá cao nhất thế giới, hơn hàng Thái Lan gần 80 USD/tấn. Thế nhưng, doanh nghiệp vừa chào bán “đại hạ giá” khối lượng lớn, giá gạo Việt lao dốc về mức thấp nhất trong nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu gạo. Nhiều năm nay, xuất khẩu gạo của nước ta luôn đứng vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 thế giới, tuy nhiên giá luôn thấp hơn gạo Thái Lan. Năm 2023, ngành gạo thắng đậm chưa từng có khi kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục lịch sử, giá mặt hàng này tăng dựng đứng. 

Đáng chú ý, giá gạo Việt Nam nhiều thời điểm đắt đỏ nhất thế giới, vượt gần 80 USD/tấn so với hàng cùng loại của Thái Lan. 

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 5/2024, nước ta xuất khẩu 4,15 triệu tấn gạo, giá trị 2,65 tỷ USD. So với cùng năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 14,7% về lượng và tăng mạnh 38,2% về giá trị.

Doanh nghiệp bán 'đại hạ giá', gạo Việt lao dốc về mức thấp nhất thế giới
Giá xuất khẩu bình quân gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Thế nhưng, sau khi lập đỉnh 663 USD/tấn vào ngày 21/11 năm ngoái, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta quay đầu giảm. Mới đây, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố giá chào thầu 300.000 tấn gạo loại 5% tấm vụ mùa 2023-2024, các doanh nghiệp Việt Nam gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất so với doanh nghiệp quốc tế khác.

Cụ thể, doanh nghiệp Việt chào thầu mức giá thấp nhất 564,5 USD/tấn, trong khi cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Giá chào thầu của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan lần lượt là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn.

Tức, giá chào thầu của doanh nghiệp Việt thấp hơn các doanh nghiệp Thái Lan 94 USD/tấn; thấp hơn giá của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan lần lượt là 57 USD/tấn và 68,4 USD/tấn.

Những ngày gần đây, giá gạo xuất khẩu của nước ta vào đà giảm mạnh. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 31/5, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm về mức 574 USD/tấn.

Từ vị thế quốc gia có giá gạo cao nhất thế giới, nay gạo Việt thấp hơn hàng cùng loại của Thái Lan 46 USD/tấn, thấp hơn hàng của Pakistan 19 USD/tấn. 

So với hôm 21/5 - thời điểm Bulog công bố kết quả mở thầu, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm khoảng 15 USD/tấn trong chưa đầy nửa tháng.

Doanh nghiệp bán 'đại hạ giá', gạo Việt lao dốc về mức thấp nhất thế giới - 1
Doanh nghiệp chào thầu giá gạo thấp ảnh hưởng lớn tới ngành gạo Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà

Giá lúa gạo trong nước cũng theo đà sụt giảm mạnh. Cụ thể, cập nhật trong tuần từ 16-23/5 của VFA, giá lúa thường tại ruộng giảm còn 7.479 đồng/kg, lúa thường tại kho giảm về mức 9.283 đồng/kg; gạo xát trắng loại 1 có giá 14.380 đồng/kg, gạo 5% tấm giá 14.107 đồng/kg...

Chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp chào thầu “đại hạ giá” gạo cho Indonesia ảnh hưởng lớn đến ngành lúa gạo Việt Nam. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mới đây có văn bản hỏa tốc gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam bày tỏ quan ngại và yêu cầu VFA xác minh thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp chào thầu giá gạo thấp nhất so với doanh nghiệp của các quốc gia khác.

Đơn vị này nhận định, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Trong khi, Indonesia đang là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống lớn thứ hai của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Để giữ uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, cũng như giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị VFA tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo chi tiết với Bộ Công Thương về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo VFA, việc doanh nghiệp bán gạo ở mức giá nào là quyền tự quyết của họ. Tuy nhiên, với các nhà quản lý, với cả một ngành hàng lại có nhiều câu chuyện để lo ngại. Bởi, chỉ vài doanh nghiệp chào bán giá thấp sẽ kéo tụt toàn bộ mức giá nền của cả ngành lúa gạo. Nhà nhập khẩu lấy đó làm giá tham chiếu, các doanh nghiệp Việt khác rất khó để chào bán giá cao hơn.

Thực tế, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.

Tình trạng bán “đại hạ giá” lặp đi lặp lại, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Quan trọng hơn, khi chúng ta xuất khẩu gạo là nói đến hình ảnh gạo Việt Nam, hình ảnh nông sản Việt chứ không chỉ nói về gạo của một doanh nghiệp gạo nào đó. Do đó, chào bán gạo giá thấp không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh gạo Việt mà còn tác động đến hình ảnh nông sản Việt.

Theo Tâm An (VietNamNet)

Nổi bật