Blue-chips giảm sâu, hiệu ứng domino toàn sàn
Phiên giao dịch 20/4 chứng kiến một kịch bản lặp lại khi áp lực bán gia tăng vào cuối phiên và nhấn chìm cổ phiếu trên diện rộng. Sau khi giảm gần 120 điểm trong các phiên trước đó, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm sâu thêm gần 22 điểm và dễ dàng xuyên thủng ngưỡng 1.400 điểm được duy trì trong 6 tháng qua.
Chỉ số VN-Index thậm chí xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 1.385 điểm, qua đó khiến nhiều người hoang mang. Tổng cộng thị trường đã mất khoảng 10% trong một thời gian ngắn, tương đương bốc hơi khoảng 25 tỷ USD vốn hóa.
Các nhóm cổ phiếu nóng như “họ FLC”, “họ Louis”, “họ Gelex”, “họ DNP”… và một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn chung một kịch bản giảm sâu, hầu hết giảm sàn với dư bán bằng 0. FLC, ROS, HAI, HQC… dư bán lên tới hàng triệu, thậm chí chục triệu đơn vị.
Một điểm đáng chú ý trong phiên 20/4 là nhiều cổ phiếu blue-chips chịu áp lực bán ra rất lớn và giảm sâu, qua đó gây tâm lý tiêu cực đối với các nhà đầu tư cá nhân và hiệu ứng domino xấu trên diện rộng.
Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giàm sàn 2.450 đồng xuống 32.550 đồng/cp; Cổ phiếu ông lớn GAS giảm sâu 7.300 đồng xuống 106.600 đồng/cp; Tập đoàn Bảo Việt (BVH) giảm 1.700 đồng xuống 64.000 đồng/cp.
Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng giảm mạnh, trong khi Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm 2.100 đồng xuống 66.800 đồng/cp. Cổ phiếu VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 1.100 đồng xuống 142.000 đồng/cp.
Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư lo ngại khi mà cổ phiếu blue-chips giảm mạnh có thể tạo ra tình trạng margin call chéo trên toàn sàn, gây ra áp lực bán trên diện rộng, tạo ra hiệu ứng hoàn tuyết lăn, càng lăn xuống càng lớn.
Khi cổ phiếu giảm mạnh, các nhà đầu tư nhỏ lẻ được cho là những người thiệt hại nhất do không tính trước các bước đệm an toàn, tâm lý hay dao động, mất niềm tin và chịu hiệu ứng tâm lý bầy đàn.
“Nhà đầu tư nhỏ lẻ ồ ạt bán. Ván mới này giảm hơi sâu và nhiều người rút ra dần dần. Nguyên tắc không bắt dao rơi lại một lần nữa đúng. Thị trường cứ kiểu đè ra bán như thế này mà nếu có thêm các tin xấu thì thậm chí có khả năng về 1.200 điểm”, ông Đỗ Tất Thành, một nhà đầu tư ở Thanh Xuân lo lắng.
Một nhà đầu tư kinh nghiệm cho biết, các công ty chứng khoán thường bán giải chấp vào buổi chiều nếu tình hình xấu đi sau khi chủ tài khoản không bổ sung thêm tiền sau khi bị call margin. Áp lực vào phút cuối khiến tình hình trở nên xấu hơn, làm thị trường không hấp thụ nổi.
Dòng tiền không còn dồi dào
Tổng giá trị margin thời điểm cuối quý I/2022 vẫn còn rất cao, ước lên tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng. Với tình trạng “full margin” ở rất nhiều tài khoản khi mà giới đầu tư quen với xu hướng thị trường lên kéo dài trong 2 năm qua, nhiều người lo ngại khả năng xảy ra đợt điều chỉnh mạnh có thể xảy ra như những thời điểm giảm mạnh đầu 2021 hay hồi tháng 2/2018. Nhóm VN-30 bị tác động mạnh nên có thể dẫn tới tình trạng giải chấp.
Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch Chứng khoán SSI chia sẻ trên trang cá nhân cho rằng, khi tăng lãi suất giá vốn không còn rẻ thì thị trường chứng khoán tất nhiên sẽ giảm điểm. Đây mới chính là nguyên nhân của xu thế thị trường khi cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường.
Việc cơ quan chức năng kiểm soát việc giao dịch của một số nhóm thao túng thị trường, cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn kinh tế tư nhân đã ảnh hưởng giảm sâu đến thanh khoản và giá của một số mã chứng khoán nhưng thực sự vẫn theo xu thế chung của thị trường thế giới. Từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm 7%, Mỹ (SP500) giảm 6,4%, Hàn Quốc giảm 9%, Hang Seng giảm 9,7%, Trung Quốc giảm 16,5%.
Triển vọng vĩ mô thực tế không còn tươi sáng như trong các đánh giá trước đó. Theo VCBS, áp lực lạm phát có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm 1%. Công ty này dự báo lạm phát còn tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo khi giá cả hàng hoá nguyên-nhiên-vật liệu trên thế giới vẫn ở mức cao và dần có mức phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cùng với đó là áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. Dự báo cả năm, lạm phát có thể vượt ngoài mục tiêu 4% của Quốc hội.
Áp lực lạm phát đã phần nào khiến cho Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào. Do đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao trong quý I.
Báo cáo của NHNN cho thấy, tiền nhàn rỗi của người dân cũng ồ ạt trở lại hệ thống ngân hàng, trái ngược với tình hình ảm đạm của năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm, chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư.
Nhiều ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên mức 7%/năm như Sacombank, VPBank, NamABank, VietBank…
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, theo Bloomberg, P/E dự báo của thị trường Việt Nam cho 2022 mình đang là tầm 13,5 lần, khá là thấp. Trong đó có nhiều ngành nghề sẽ hưởng lợi trước tình hình hiện tại của thế giới.
Cũng theo ông Hưng, theo thống kê thì sau khi tăng lãi suất, trong 2 tháng đầu thị trường chứng khoán luôn bị điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất. TTCK đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng ở đỉnh. “Qua cơn mưa trời lại sáng”, việc lành mạnh hoá thị trường luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.
Hiện, thị trường giảm mạnh được cho chủ yếu do áp lực giải chấp và xuất hiện xu hướng giảm trong trung hạn khi N-Index xuyên thủng ngưỡng MA200 (đường trung bình động thể hiện xu hướng giá cổ phiếu trong 200 phiên gần nhất).
Với các nhà đầu tư cá nhân, tâm lý có thể thay đổi nhanh, có thể lấy lại niềm tin khi thị trường xanh trở lại. Khối ngoại gần đây, đẩy mạnh mua ròng khi thị trường lao dốc.
Theo M. Hà (VietNamNet)