Những năm gần đây, đèn ông sao, đèn lồng, mặt nạ giấy,... phần lớn được các trường học mua rồi về phát cho các cháu học sinh trong dịp Tết Trung thu, rất ít trẻ chọn đồ chơi trung thu truyền thống thay vì đồ chơi hiện đại.
Giữa đồ chơi truyền thống và đồ chơi hiện đại, đứa trẻ này chọn đồ chơi hiện đại. (Ảnh: Hồng Vân) |
Phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Chả Cá,... vốn là những tuyến phố nổi tiếng bán đồ chơi Trung thu truyền thống tại Hà Nội, song những năm gần đây, hầu hết các cửa hàng đều chỉ bán đồ chơi hiện đại. Lý do là nhu cầu các sản phẩm đồ chơi hiện đại cao hơn, nhiều mặt hàng đa dạng, bắt mắt, thoả mãn sở thích của đông đảo trẻ em thành thị hiện nay.
“Mấy năm nay, vào dịp Tết Trung thu, tôi đều dẫn con đi mua đồ chơi nhưng con tôi chẳng bao giờ chọn mua đồ chơi truyền thống. Có lần tôi cũng nói con tôi nên chọn một món đồ chơi truyền thống nhưng con cũng không hứng thú lắm”, chị Huyền (Hoàng Mai, Hà Nội), phụ huynh của một bé trai 9 tuổi chia sẻ.
Chị Huyền cũng giải thích bé nhà chị thích đồ chơi hiện đại hơn có lẽ vì đồ chơi truyền thống có cách chơi không sáng tạo và dễ hỏng, hơn nữa chỉ để chơi trong mấy ngày Trung thu.
Đa phần, người lớn vẫn muốn mua đồ chơi truyền thống để tặng con, cháu mình trong dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Hồng Vân) |
Anh Bắc (Trương Định, Hà Nội), phụ huynh của hai bé 13 tuổi và 10 tuổi cũng cho rằng, khi nhà trường tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thì cũng phát cho mỗi cháu đèn ông sao, đèn lồng, đèn cù hay mặt nạ,... rồi nên phụ huynh cũng ít khi mua thêm.
“Bọn trẻ nhà tôi hồi còn bé rất thích đồ chơi truyền thống, Trung thu năm nào cũng xin bố mẹ mua cho mấy món như mặt nạ, đầu sư tử,... nhưng mấy năm gần đây, tôi thấy con tôi thích đồ chơi hiện đại hơn. Đèn ông sao mà nhà trường phát cho bọn trẻ trong dịp Tết Trung thu cũng không được chúng yêu thích, chơi nhiều nữa”, anh Bắc nói.
Phố Hàng Mã lúc nào cũng đông nghẹt người xem và mua đồ chơi trong dịp Tết Trung thu. (Ảnh: Hồng Vân) |
Bên cạnh đó, bà Hà, chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Hàng Mã cho biết, khoảng 5 năm trở lại đây, đến 80% lượng đồ chơi truyền thống tại cửa hàng của bà là bán cho các trường tiểu học quanh khu vực này như trường tiểu học Quang Trung, trường tiểu học Thăng Long, trường Trưng Vương,...
“Các trường thường tổ chức Tết Trung thu cho các cháu học sinh trong khoảng mùng 10 – 15/8 âm lịch, nên khoảng thời gian đó, họ mới đi mua đèn ông sao, đèn lồng, trống bỏi,... đủ các kích cỡ, mỗi lớp mua khoảng 30 – 40 chiếc, cả trường cũng phải đến nghìn chiếc”, bà Hà nói.
Về giá cả, giá mỗi chiếc đèn ông sao dao động từ 15.000 – 100.000 tùy kích cỡ. Đặc biệt, có loại đèn ông sao cỡ đại có giá lên đến cả triệu đồng.
Đèn ông sao cỡ đại thường được bán cho các trường học, cơ quan, có giá cả triệu đồng/chiếc. (Ảnh: Hồng Vân) |
Theo tìm hiểu, đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu được các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Hàng Lược,... nhập về và bắt đầu bán từ khoảng giữa tháng 7 âm lịch, bán trong khoảng hơn 1 tháng.
Về phía đồ chơi hiện đại như robot, ô tô, lego, thú nhồi bông,... thì các cửa hàng trên những tuyến phố này bán quanh năm với số lượng đáng kể.
Theo Hồng Vân (Dân Trí)