Tập đoàn May Hồ Gươm mới đây đã xuất thành công một lô hàng lá tía tô xanh sang Nhật. Đại diện Tập đoàn cho biết làm nông là đi theo xu hướng kinh doanh của xã hội. Dù vậy, Tập đoàn này đã chọn cho mình một hướng đi riêng với loại nông sản riêng, kèm theo đó là những quy trình nghiêm cẩn nhằm đáp ứng một trong những thị trường khó tính nhất.
Tập đoàn May Hồ Gươm mới đây cho biết họ đã xuất khẩu lô hàng lá tía tô xanh đầu tiên sang Nhật Bản. Giá bán của từng chiếc lá dao động từ 500 – 700 đồng, cao gấp nhiều lần những loại lá tía tô bình thường (có màu tím) trong nước.
Trả lời báo chí, phía Hồ Gươm cho biết giống tía tô này được nhập từ Nhật Bản, không phải giống thường thấy ở Việt Nam. Để gieo trồng, công ty đã khảo sát địa điểm, nguồn nước, chất đất kỹ lưỡng. Trang trại hiện tại được đặt ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh với diện tích 11,3 ha, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, triển khai từ giữa năm 2016.
Rau tía tô xanh sau hơn 1 tháng gieo trồng trong nhà màng với nhiệt độ từ 33 – 35% bắt đầu cho thu hoạch. 100% công đoạn thu hái được thực hiện trực tiếp bằng tay.
Ông Nguyễn Văn Bình, GĐ điều hành kỹ thuật trang trại tía tô nhấn mạnh quy trình thực hiện từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch đòi hỏi kỹ thuật rất nghiêm ngặt mà “không phân định khâu nào là quan trọng nhất”.
Cụ thể, hạt giống được nhập hoàn toàn từ Nhật Bản, đất được xới bằng tay, quạt thông gió điều hoà không khí, cây được tưới bằng hệ thống phun sương, trong nhà trồng có lắp đèn chiếu sáng... Đặc biệt, mọi công đoạn chăm bón trong trang trại hơn 11 ha này đều thuận theo tự nhiên, hạn chế tối đa sự can thiệp của hoá chất hay máy móc.
Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên ở đây cho biết trang trại có nuôi gà nhằm mục đích để gà ăn sâu bệnh trong đất. Việc bắt côn trùng, ruồi, sâu bọ nhỏ cũng được làm thủ công, thông qua đèn bắt.
“Việc làm này có hiệu quả hữu ích, vì nếu trong sản phẩm xuất khẩu đi mà lẫn côn trùng sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn. Sản phẩm phải được đảm bảo tiêu chuẩn ngay từ trên đồng ruộng”, chị Huyền nói.
2 tiếng sau khi hái, lá tía tô xanh được phân loại theo kích cỡ rồi cho vào kho lạnh. Sau 5 tiếng ở nhiệt độ 10 độ C, lá trở nên cứng và giữ được độ tươi sẽ được đóng hộp và chuyển đến Nhật Bản bằng đường hàng không.
Giá bán của tía tô xanh phụ thuộc vào kích cỡ (3 kích cỡ, từ 6,5 - 8 cm) cũng như mùa vụ và đơn đặt hàng của đối tác. Theo tính toán, 1 ha trồng cho thu hoạch từ 17 – 18 triệu lá cho doanh thu 2,5 tỷ đồng.
“Tại sao tập đoàn, vốn chủ yếu làm về may mặc lại chuyển sang làm nông nghiệp?”
“Nó là xu thế của xã hội, doanh nghiệp chỉ tìm mọi cách để sản xuất, kinh doanh thôi”, đại diện của Tập đoàn May Hồ Gươm trả lời.
Cơ hội của nông nghiệp Việt?
Trước tía tô xanh, doanh nghiệp Việt cũng đã xuất khẩu thành công 2 loại trái cây sang thị trường Nhật Bản là xoài, thanh long. Hai loại trái cây này, lần lượt Việt Nam đã mất 5 năm và 8 năm đàm phán để đưa đến xứ sở mặt trời mọc.
Bên cạnh đó, vải thiều Lục Ngạn từ năm 2014, đã có một số doanh nghiệp Việt cũng đã đàm phán và xuất khẩu thành công lô vải thiều sang Nhật và tiếp tục duy trì cho đến này.
Nghiên cứu của công ty Dream Incubator Nhật Bản (DI) cho biết Nhật hiện là thị trường lớn nhất của châu Á đối với sản phẩm rau củ đã qua chế biến (66 – 70% lượng nhập khẩu của châu Á). Trong khi nhu cầu nhập khẩu của Nhật ngày càng tăng thì sản xuất tại chỗ của nước này đang bị thu hẹp. Do đó, đây chính là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, trở thành nguồn cung ổn định cho thị trường Nhật Bản.
Tuy nhiên, thị trường này được xem là một thị trường khó tính. Nông sản khi xuất vào thị trường này phải đảm bảo được yêu cầu vệ sinh, an toàn thực phẩm theo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật.
Các mặt hàng khi đến đây phải đáp ứng được 5 yếu tố (5S) gần như thành quy chuẩn gồm: sạch sẽ, sàng lọc, cắt bỏ những thứ không cần thiết, môi trường trong sạch và sắp xếp ngăn nắp. Các doanh nghiệp Nhật Bản đồng thời rất coi trọng đảm bảo chất lượng, giá cả và sự chuyển giao đúng thời hạn. Theo đó, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng đồng loạt, tương đương nhau cũng như mức giá phù hợp.
Chính vì thế, các chuyên gia đều xem thị trường này là bài kiểm tra nghiêm khắc đối với chất lượng hoa quả của Việt Nam. Việc thâm nhập, đáp ứng thành công thị trường này sẽ mở ra nhiều cánh cửa cho việc xuất khẩu sang các nước khác.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nông nghiệp Việt Nam như TS. Võ Trí Thành nhận xét, vẫn chưa tận dụng được hết những lợi thế của mình. Do đó, trong tương lai nếu các doanh nghiệp tìm được hướng đi riêng, ví dụ như việc xuất khẩu lá tía tô xanh, với việc đầu tư bài bản, đúng chuẩn mực kỹ thuật có thể đấy sẽ là cách giúp cho tên tuổi nông sản Việt tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Theo Nam Dương (Trí Thức Trẻ)