Mới đây, Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng (Công ty Toàn Thắng) thông báo đã hoàn tất mua gần 21,3 triệu cổ phiếu SGP của Công ty CP Cảng Sài Gòn, tương ứng 9,83% vốn. Giao dịch được hoàn thành vào ngày 1/8, qua đó Toàn Thắng chính thức trở thành cổ đông lớn thứ 2 của Cảng Sài Gòn, xếp sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Được biết, số cổ phiếu này đã được Công ty Toàn Thắng mua lại từ cổ đông lớn trước đó của Công ty CP Cảng Sài Gòn là Công ty CP Dịch vụ Hòa Hải. Công ty Hòa Hải có liên quan đến người nội bộ Cảng Sài Gòn là bà Đỗ Thị Minh - thành viên hội đồng quản trị. Hòa Hải đã đăng ký thoái toàn bộ vốn từ ngày 31/7 với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 1/8, cổ phiếu SGP ghi nhận khối lượng thỏa thuận đạt 21,3 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch gần 325 tỷ đồng, tương ứng với bình quân 15.300 đồng/cp. Mức giá này thấp hơn thị giá cùng phiên là 17.300 đồng/cp.
Đây cũng là các giao dịch đầu tiên của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ tại Cảng Sài Gòn trong năm 2023. Kể từ đầu năm đến nay, thị giá SGP tăng khoảng 32%, từ 13.100 đồng/cp lên 17.400 đồng/cp kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8.
Như vậy, với sự tham gia của Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng, danh sách cổ đông của Công ty CP Cảng Sài Gòn hiện có 4 thành viên lớn gồm: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, mã: MVN) với tỷ lệ sở hữu 65,45% vốn, Toàn Thắng (9,83%) cùng với 2 ngân hàng VietinBank và VPBank. Ngoài ra còn có nhiều cổ đông nhỏ lẻ khác.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng được thành lập ngày 14/12/2018, với người đại diện theo pháp luật là bà Dương Thị Dung. Doanh nghiệp này có trụ sở chính đặt tại số 3 phố Đặng Thái Thân, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại.
Cổ đông lớn nhất của Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng là Công ty TNHH dịch vụ và kinh doanh bất động sản Long Biên (với tỷ lệ sở hữu 73,8% vốn điều lệ). Ngoài ra còn có Công ty TNHH Thương mại Ô tô Thành Công (sở hữu 26,2% vốn).
Cuối năm 2022, vốn điều lệ của Công ty TNHH Phát triển Dịch vụ Thương mại Toàn Thắng đạt 330 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả lên 2.041 tỷ đồng, trong đó 1.585 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 425 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Trở lại với Công ty CP Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp có tên gọi ban đầu là Thương Cảng Sài Gòn, với lịch sử hình thành từ hơn 150 năm trước. Hoạt động phục vụ cho lĩnh vực rộng lớn gồm các khu vực TPHCM, các vùng lân cận và đồng bằng sông Mekong với tổng sản lượng hàng hóa hàng năm hơn 10 triệu tấn, Cảng Sài Gòn có vai trò và nhiệm vụ quan trọng phục vụ cho nhu cầu xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế nói chung cho toàn khu vực Phía Nam của đất nước.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 232 tỷ đồng, lãi sau thuế 109 tỷ đồng, lần lượt giảm 28,6% và 5,2% so với thực hiện năm trước. Công ty cho biết lợi nhuận gộp giảm do doanh thu giảm nhanh hơn so với giá vốn hàng bán. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cùng giảm hơn 6 tỷ đồng do giảm lãi tiền gửi ngân hàng, tăng lãi cho vay, giảm cổ tức được nhận và tăng lãi chậm trả tiền thuê đất so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Cảng Sài Gòn ghi nhận doanh thu đạt 450 tỷ đồng và lãi sau thuế 133 tỷ đồng, lần lượt giảm 27% và 19% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, Cảng Sài Gòn đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra năm nay, công ty đã thực hiện 36% về doanh thu và 30% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Công ty CP Cảng Sài Gòn đạt hơn 5.366 tỷ đồng, giảm 30 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 74%, đạt 352 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Công ty CP Cảng Sài Gòn đang có 2.656 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, chiếm 49% tổng cộng nguồn vốn. Nợ phải trả của Cảng Sài Gòn là 2.710 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn với 2.128 tỷ đồng, chiếm 80%.
Theo Liên Hà Thái (Kienthuc.net.vn)