Tâm lý chung của các nhà đầu tư là thận trọng trong việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ (start-up), nhất là khi các start-up này đang đốt tiền một cách thiếu hiệu quả, mong giành thị phần từ các đối thủ đã có mặt từ lâu trên thị trường.
Hồi tháng 9 năm nay, Baillie Gifford, một công ty quản lý tài sản Scotland, đã dẫn dắt một vòng rót vốn cho Thumbtack, một công ty chuyên giúp các công nhân có kỹ năng tìm việc làm, định giá start-up này ở mức 1,25 tỉ USD. Trong khi đó, Fidelity đã dẫn dắt đợt huy động vốn gần đây nhất cho Jet, mà một số nhà đầu tư là chuyên gia công nghệ trong ngành xem đây là một công ty kinh doanh không hiệu quả vì nó đang chấp nhận thua lỗ bằng cách bán giá rẻ hơn Amazon để mong giành thị phần.
SpaceX được định gía lên đến 12 tỉ USD |
Khi các nhà đầu tư cứ vung tiền vào các start-up (mãi cho đến gần đây, việc vung tiền thoải mái này có dấu hiệu chậm lại), thì các start-up cũng trở nên có thói quen… xài tiền hoang phí. Họ đốt tiền, mong giành lấy thị phần từ các gã khổng lồ như Amazon, Facebook. Lyft, một hãng gọi taxi đối thủ của Uber, đã lỗ gần 130 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay trong khi doanh thu đạt chưa tới 50 triệu USD. Còn Instacart, một công ty giao nhận thực phẩm, bị “đồn đoán” là đã lỗ khoảng 10 USD trên mỗi đơn hàng mà nó thực hiện. Những hoạt động như vậy có lẽ chỉ ngưng lại khi nguồn vốn rót vào các công ty này cạn kiệt hoặc khi nhà đầu tư muốn hoạt động đi vào khuôn phép, siết lại mọi thứ.
Một thói quen thường thấy khác của các start-up là cứ hay nâng giá trị của công ty lên và vẽ cho nhà đầu tư tiềm năng bên ngoài (hoặc đã đầu tư vào công ty) một bức tranh không chính xác về mình. Để đảm bảo mức định giá sẽ tăng lên mỗi lần họ tăng vốn và cũng để cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty vẫn đang khả quan và tiến triển, nhiều start-up đã đồng ý với một số điều kiện mà các nhà đầu tư đưa ra. Đó là cho các nhà đầu tư này một số đặc quyền gắn liền với số cổ phiếu được bán ra.
Về lý thuyết, nếu một nhà đầu tư trả 100 triệu USD để sở hữu 10% cổ phần trong một công ty thì có nghĩa là công ty đó được định giá 1 tỉ USD. Nhưng nếu nhà đầu tư đó kèm theo các điều kiện khi như đảm bảo cho ông ta/bà ta một khoản lợi nhuận hoặc trả lại tiền cho ông ta/bà ta đầu tiên, thì có nghĩa là mức định giá thực sự không phải là 1 tỉ USD nữa. Một nhà đầu tư có thể sẽ thoải mái để cho công ty “tha hồ tâng bốc” mình, miễn là nhà đầu tư đó có thêm được một số điều kiện đảm bảo an toàn cho khoản vốn mà họ rót vào.
Để tham gia vào các vòng rót vốn giai đoạn sau, nhiều nhà đầu tư yêu cầu được có một số điều kiện ưu đãi cho họ như “những ưu tiên về thanh toán”, nghĩa là nhà đầu tư được đảm bảo ít nhất sẽ nhận được tiền về và đôi khi kèm theo điều kiện phải có lợi nhuận cho họ. Trong các trường hợp khác, nhà đầu tư được “bù đắp” thêm một số cổ phiếu nếu mức định giá của công ty bị giảm khi nó niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư rót vốn giai đoạn sau vào Square được “bảo vệ” bởi điều kiện này, vì thế họ vẫn có khả năng thu về mức lợi nhuận tốt cho dù Square lên sàn với mức định giá bị giảm.
Nhân viên của các startup mới là những người bị thiệt thòi nhiều nhất, vì cổ phiếu thường mà họ nắm giữ bị pha loãng bởi chính những điều kiện “bảo vệ” cho nhà đầu tư như đã nói ở trên. Các công ty “chơi khăm nhân viên với mức định giá cao của mình”, James Park, ông chủ của Fitbit, nhà sản xuất các thiết bị theo dõi sức khỏe người tập thể dục đã lên sàn vào tháng 6 vừa qua, nhận xét.
“Tôi không nghĩ nhiều người nhận ra rằng một khi cổ phiếu ưu đãi và các ưu tiên về thanh toán được hiện thực hóa, cổ phiếu thường của họ không còn đáng giá là bao”, ông nói thêm. Ông cũng cho biết các công ty tư nhân cũng rất là “phóng khoáng” khi “vô tư” tuyên bố rằng họ sẽ bành trướng trở thành những công ty trị giá lên tới 20-30 tỉ USD. Điều này giúp thu hút nhân viên nhưng có thể khiến họ không hiểu đúng về công ty.
Nhiều startup được định giá hơn 1 tỉ USD có lĩnh vực kinh doanh tương tự nhau, hoặc tương tự với các công ty đã có mặt từ lâu trên thị trường. Tuy nhiên, nhiều start-up đang được định giá như thể họ đang “cầm chắc trong tay chiếc vé” trở thành người chiến thắng trong dài hạn. Trong khi đó, trên thực tế không phải tất cả các start-up đều sống sót trong cuộc cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt. Các công ty yếu hơn đã có thể tiếp tục tồn tại là bởi vì hiện việc huy động vốn vẫn còn quá dễ. Nghĩa là nếu nhà đầu tư quay lưng, số phận của những công ty này thật khó nói trước.
Một vấn đề nữa là các công ty này lại vung tiền như rác để giành thị trường, bất chấp thua lỗ. Và hành động này của họ đã khiến cho các đối thủ mạnh hơn gặp khó khăn trong việc kiểm soát chi phí và tạo ra lợi nhuận ổn định. Một tín hiệu đáng mừng là các nhà đầu tư đang ngày càng thận trọng hơn khi rót vốn vào các start-up; điều đó khiến nhiều người kỳ vọng sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh hơn trong ngành công nghệ.
Các công ty vẫn được tin là những kẻ chiến thắng như Uber thì sẽ không gặp rắc rối gì trong việc huy động vốn mới cho dù thị trường vốn khó khăn như thế nào. Tuy nhiên, hầu hết các công ty sẽ cảm nhận được nỗi đau của một thị trường đang hạ nhiệt, nhất là những công ty mà có khách hàng là những hãng công nghệ khác. Các công ty giao nhận thực phẩm, cung cấp dịch vụ ăn uống và gọi taxi có nhiều khách hàng là các công ty công nghệ mà cần dịch vụ đưa rước nhân viên, hay cung cấp bữa ăn cho nhân viên, chẳng hạn. Những start-up cung cấp các công cụ theo dõi, giám sát trực tuyến hoặc các dịch vụ tuyển dụng cũng phụ thuộc rất nhiều vào các khách hàng là công ty công nghệ.
Các doanh nghiệp lớn hơn như Twitter và Facebook cũng thế; những công ty này đã và đang hưởng lợi từ nhu cầu quảng cáo bùng nổ của các hãng công nghệ, theo Gil Penchina, một nhà đầu tư. Ông cho biết đang tìm cách tránh “dính líu” đến loại start-up như vậy.
Trong các cuộc suy thoái vừa qua, các công ty có vốn mạnh và sức khỏe tốt đã được hưởng lợi, theo Sander Daniels, nhà sáng lập Thumbtack. Ông cho biết Google đã có được những kỹ sư hàng đầu về làm cho mình sau khi bong bóng dotcom xì hơi cách đây 10 năm. Các công ty đã tích lũy được lượng vốn lớn trong thời kỳ ăn nên làm ra cũng sẽ sống tốt trong giai đoạn thị trường đi xuống. Airbnb, chẳng hạn, đang nắm trong tay khoảng 2 tỉ USD tiền mặt và số tiền mặt công ty này chi mỗi năm chỉ vào khoảng 100 triệu USD. Nếu Thung lũng Silicon học được gì từ bài học về cơn sốt rồi nhanh chóng sụp đổ của thị trường nhà đất thì đó là bài học rằng các công ty rủng rỉnh tiền sẽ phục hồi nhanh nhất. Điều này cũng sẽ đúng với ngành công nghệ.
Theo Trần Linh (Người Đồng Hành)