Điều khoản cấm tiết lộ với người đòi tiền 'gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm'

27/02/2023 08:19:20

Trong khi nhiều khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng bị biến thành hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ Manulife vẫn chật vật đi đòi tiền, có một số người đã được trả lại tiền nhưng buộc phải ký cam kết không được tiết lộ với bên thứ ba.

"Đầu tư tâm an" thành... bất an

Trong số 33 nạn nhân đầu tiên làm đơn kêu cứu lên Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vì bị Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) biến hợp đồng tiền gửi thành gói bảo hiểm “Đầu tư tâm an” của Manulife, có bà H.B.N. (SN 1971, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Bà H.B.N đã trải lòng với PV. VietNamNet về quá trình bị nhân viên tư vấn của SCB “thao túng tâm lý”.

Bà H.B.N. có sổ tiết kiệm tại SCB chi nhánh số 44 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng) nên trở thành khách quen tại đây. Tháng 5/2020, bà được nhân viên SCB gọi điện mời ra ngân hàng khi gói tiết kiệm trị giá 800 triệu đồng của bà sắp đáo hạn.

Tại đây, bà được hai nữ nhân viên tên H. và Y. tư vấn gói “Đầu tư tâm an”, mỗi năm chỉ phải bỏ ra 105 triệu đồng. Không chút nghi ngờ, sau hai năm, số tiền bà H.B.N đã bỏ ra cho gói “đầu tư” này là 210 triệu đồng. 

Kể về quyết định mua bảo hiểm, bà N. cho biết bà được nhân viên tên Huyền đon đả mời chào: “Em theo dõi sổ này của chị để rất lâu rồi. Bên em đang có sản phẩm đầu tư này hay lắm, sản phẩm này sau 7 năm mới được rút cả gốc lẫn lãi, lãi suất 9%/năm”.

“Tức là, chị H. này đề nghị tôi tiếp tục gửi tiết kiệm tại SCB, nhưng mỗi năm 'cấu' ra 105 triệu đồng để đầu tư vào sản phẩm mới, trong khi vẫn được hưởng lãi suất cao hơn lãi gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, phải cam kết không rút trước 7 năm. Kèm theo đó, ngân hàng sẽ có quà tặng là sản phẩm bảo hiểm từ đối tác Manulife”, bà H.B.N. kể.

Điều khoản cấm tiết lộ với người đòi tiền 'gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm'
Hợp đồng bảo hiểm của bà H.B.N. với Manulife.

Bà N. đồng ý mà không mảy may nghi ngờ vì cho rằng mình chẳng mất gì, lại được tặng quà thì ai chả thích. Đến giờ, bà vẫn không hiểu sao mình lại dễ dàng bị lừa như thế.

Khoảng một tháng sau đó (tháng 6/2020) bà H. gọi khách hàng ra SCB và đưa tận tay cho khách cuốn sổ bảo hiểm. Đến lúc này, bà H.B.N. vẫn nhất định "chị không mua bảo hiểm đâu".

“Cái này chỉ được dành tặng cho khách VIP thôi. Hôm qua em vừa làm cho khách hai hợp đồng mà còn không có, em để dành tri ân chị”, bà N. kể lại lời nhân viên SCB nói với bà.

Đến cuối năm 2022, thời điểm SCB bị vỡ trái phiếu, bà H.B.N. lại ra ngân hàng để tìm hiểu. Đến lúc này, nhân viên SCB mới nói thật là bà đang tham gia gói bảo hiểm của Manulife. Tuy nhiên, hai nhân viên tên H. và Y. trước đó tư vấn cho bà đều đã chuyển công tác. Người tên H. hiện làm giám đốc một phòng giao dịch của SCB, còn bà Y. đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác. 

Những người còn lại ở SCB Ngô Thì Nhậm từ chối giải quyết vụ việc, đồng thời hướng dẫn bà tìm đến văn phòng của Manulife, số 29 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Đến Manulife, nhân viên ở đây nói thẳng số tiền đóng 3 năm đầu tiên sẽ không được trả lại. Quay trở lại SCB, nhân viên ở đây yêu cầu bà phải gọi được cho nhân viên tư vấn trước đó. 

Đang hoang mang chưa biết phải làm sao, mấy ngày sau đó, nhân viên tên Y. (đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng khác) gọi lại cho bà H.B.N. dụ bà rút hết tiền tiết kiệm tại SCB chuyển sang nơi chị ta đang làm để hưởng lãi suất cao hơn. 

Để “giúp” khách hàng đòi được tiền bảo hiểm, nhân viên Y. tư vấn: “Bây giờ chị cứ sang SCB làm ầm lên, gặp giám đốc chi nhánh, nói là chị không mua bảo hiểm, rồi bắt họ phải dẫn chị sang gặp Manulife để yêu cầu hoàn lại tiền cho chị”.

Quay lại Manulife, bà H.B.N. được hướng dẫn làm đơn khiếu nại kèm lời hứa sau 15 ngày sẽ nhận được tiền vì bà là “khách hàng đặc biệt”. 

“Họ vin vào cớ tôi không yêu cầu huỷ hợp đồng trong vòng 21 ngày kể từ ngày ký theo quy định của luật Kinh doanh bảo hiểm. Thế nhưng, tôi đâu có biết là mình mua bảo hiểm đâu để mà yêu cầu huỷ”, bà H.B.N. nói.

Sau nhiều lần đi lại giữa SCB và Manulife, đến nay bà H.B.N. mới được trả lại 40 triệu đồng trong tổng số 210 triệu đồng đã bị rút ra từ sổ tiết kiệm chuyển sang mua bảo hiểm.

Số tiền 170 triệu đồng còn lại bà N. chưa biết khi nào mới có thể được nhận lại vì bà được phía Manulife trả lời, trong vòng 3 năm đầu của hợp đồng, khách sẽ không được hoàn trả.

Buộc phải ký cam kết không tiết lộ với bên thứ ba mới được trả tiền

Một số người may mắn đòi lại được tiền từ Manulife sau khi quyết liệt yêu cầu huỷ hợp đồng.

Ông T. là một trong số ít những người may mắn đó.

Trao đổi với VietNamNet, con gái ông T. cho biết, cha của chị gửi tiết kiệm tại SCB chi nhánh một thành phố miền Trung nhưng sau đó mới biết mình đã bị dụ mua bảo hiểm.

Sau nhiều lần yêu cầu SCB và Manulife tại địa bàn giải quyết nhưng không thành, ông T. tuổi đã cao vẫn phải tự thân lặn lội từ miền Trung ra Hà Nội để yêu cầu Manulife trả lại tiền.

Tại Hà Nội, con gái ông là người ký đơn thay mặt ông T. làm việc với phía Manulife và may mắn đòi lại được tiền.

Tuy nhiên, phía công ty bảo hiểm không đồng ý trả lại toàn bộ số tiền ông T. đã bỏ ra ban đầu.

“Số tiền bị mất là khoảng 30-40 triệu đồng.

Để được nhận lại tiền, Manulife ra điều kiện chúng tôi phải ký cam kết không tiết lộ thông tin với bên thứ ba.

Dù biết là bị thiệt nhưng vì bố tôi đã già yếu, không thể cứ mãi đi lại hàng trăm cây số để đòi tiền nên  gia đình đành chấp nhận mất một khoản tiền để lấy được về phần còn lại”, con gái ông T. chia sẻ.

Trong số các nạn nhân bị “lừa” mua bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Liên có lẽ là người hiếm hoi may mắn đòi lại được 100% số tiền, dù bà ký cũng bị vào tên 3 hợp đồng mua bảo hiểm Manulife qua SCB chi nhánh Bạch Mai (Hà Nội).

Tuy nhiên, bà Liên xác nhận với PV là đã lấy lại được đủ tiền và không tiết lộ thông tin cụ thể về quá trình đòi lại tiền từ Manulife.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)