Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD?

30/03/2023 14:17:09

Ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, một công ty xếp hạng tín nhiệm - cho biết: “Nhiều đại gia kêu trời kêu đất vì khó khăn quá. Doanh nghiệp mở mắt ra là tiền lãi ngân hàng, lo lương nhân viên, hàng tồn kho, giá thành tăng cao…”.

“Gập ghềnh” con đường phục hồi

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Mức đạt được này chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I năm 2020 (thời điểm bùng nổ dịch COVID-19) trong giai đoạn 2011-2023.

Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD?
Tốc độ tăng GDP quý I trong giai đoạn 2011-2023 (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Chia sẻ với Tiền phong, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) nhận xét, tăng trưởng quý I khá thấp, phản ánh những khó khăn của nền kinh tế.

“Nó cho thấy tác động chính sách tiền tệ thời gian qua cùng những ảnh hưởng từ xu thế chung của kinh tế toàn cầu. Cái khó từ bên ngoài đang ngấm dần nền kinh tế. Khu vực sản xuất, chế biến, xây dựng đều chịu ảnh hưởng lớn”, ông Minh nhận định và cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong cả năm 2023 là thách thức.

Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê dùng từ “gập ghềnh” để nói về biểu đồ tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam kể từ năm 2020. Dự báo kinh tế toàn cầu năm nay của các tổ chức quốc tế đều sẽ thấp hơn năm ngoái, nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung quý I năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với khó khăn khi cầu thế giới đi xuống, chi phí đầu vào, nguyên liệu, giá cả cao tạo áp lực vô cùng lớn kinh tế trong nước.

Doanh nghiệp "kêu trời kêu đất"

Số liệu vừa công bố cho thấy, tính chung quý I, cả nước có gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2% về số doanh nghiệp, giảm hơn 34% về vốn đăng ký và giảm gần 13% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 43.000 doanh nghiệp, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước; gần 13.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng hơn 13%; 4.600 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%. Bình quân một tháng có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn thời đỉnh dịch.

Tính chung, số rút lui khỏi thị trường là hơn 60.000 doanh nghiệp, vẫn cao hơn số gia nhập và tái gia nhập thị trường với gần 57.000.

Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD? - 1
Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn thời đỉnh dịch (ảnh: IT).

Theo Giám đốc MASSEI Đinh Tuấn Minh, khi thị trường nhiều rủi ro, nhiều người không dám mạo hiểm, mở doanh nghiệp mới. Một số nơi có thiên hướng rút gọn, tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi hoặc bảo toàn tài sản… Tất cả dẫn đến bức tranh doanh nghiệp nhiều gam màu xám.

Vậy con số trên có đáng lo ngại không? Ông Minh nhận định sẽ đáng lo khi nhìn về kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và sự hồi phục mạnh sau COVID-19.

"Việt Nam không hề miễn nhiễm với xu thế khó khăn chung của toàn cầu. Đối tác khó khăn, Việt Nam là nền kinh tế mở, không thể tránh được”, ông Minh nói và dẫn chứng một công ty ở Bình Dương vừa qua đã phải sa thải cả nghìn lao động.

Điều gì đang xảy ra khi doanh nghiệp Việt ồ ạt đóng cửa, rao bán dự án tỷ USD? - 2
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh - Giám đốc MASSEI.

Hàng loạt doanh nghiệp xây dựng, bất động sản ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân viên, dừng triển khai dự án…

“Chưa cần con số, chỉ quan sát cũng nhìn thấy rõ sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Minh nhấn mạnh.

Khi đề cập tới nguyên nhân, ông Minh cho rằng, vấn đề lớn mà Việt Nam gặp phải xuất phát từ nội tại. Mặc dù có tiềm lực chống chọi với khó khăn bên ngoài khi các chỉ số trên thống kê đều tốt, song ông Minh cho biết, rào cản còn nhiều bởi cảnh “lấy đá ghè chân mình”, chậm giải ngân đầu tư công, ách tắc pháp lý…

Trao đổi với Tiền phong, ông Phùng Xuân Minh - Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings, một công ty xếp hạng tín nhiệm - cho biết: “Nhiều đại gia ‘kêu trời kêu đất’ vì khó khăn quá. Doanh nghiệp mở mắt ra là tiền lãi ngân hàng, lo lương nhân viên, hàng tồn kho, giá thành tăng cao…”.

Ông Minh cho rằng, con số doanh nghiệp phải phá sản, rút lui khỏi thị trường phần nào cho thấy sự khó khăn rất lớn mà doanh nghiệp phải “gồng”. Vốn siết, ách tắc pháp lý… là một số lý do được ông Minh chỉ ra.

Từ góc độ người làm nghiên cứu thị trường, ông Phùng Xuân Minh đã đề xuất giải quyết rốt ráo 3 nhóm vấn đề nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ nhất, đẩy mạnh việc rà soát toàn bộ hệ thống chính sách luật, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Giải quyết quyết liệt nhóm vấn đề chính sách, theo ông Minh, giống như lưu thông mạch máu trong cơ thể. Thứ hai, khơi thông vốn cho thị trường với việc phát triển TPDN, cân đối tín dụng… Thứ ba là kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất trong nước.

"Nhà giàu" cũng khóc

Truyền thông quốc tế mới đây đưa tin một Tập đoàn của Singapore đang đàm phán để mua lại một số dự án của doanh nghiệp Việt, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD. Nếu thành công sẽ trở thành một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, việc bán tài sản để tái cơ cấu nợ, tạo nguồn vốn để duy trì là bình thường.

“Thực tế nhiều dự án còn muốn bán mà không biết bán cho ai khi thanh khoản thấp hoặc gặp trục trặc về pháp lý. Đây cũng là vấn đề vĩ mô của từng doanh nghiệp. Họ sẽ là người hiểu hơn ai hết cách thức duy trì dòng tiền để tồn tại trong giai đoạn khó khăn này”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, quan sát vừa qua cho thấy không chỉ doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng gặp những vấn đề “ách tắc”, buộc phải tìm cách thanh lý tài sản. Đây là khăn chung của nền kinh tế.

Theo góc nhìn của chuyên gia về xếp hạng tín nhiệm Phùng Xuân Minh, đối tác nước ngoài khi mua dự án họ chọn lọc, tính toán rất kỹ. Họ thường nhắm tới các dự án có nhiều lợi thế, quy mô, có thương hiệu, hứa hẹn thanh khoản tốt.

“Thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản khó quá, rao bán nhưng mà không bán được. Nên bán được giá tốt, tạo dòng tiền ổn định cũng là một hy vọng cho doanh nghiệp trong việc tái cơ cấu”, ông Minh chia sẻ.

Theo Nguyên Mạnh (Tiền Phong)

Nổi bật