Sự khác thường về kinh doanh
Công ty cổ phần Đại Tân Việt (New Viet Dairy) là một nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm (food service company) thuộc nhóm lớn nhất Việt Nam. Với doanh thu hàng năm vào khoảng 7.000 tỷ đồng (gấp rưỡi TH True Milk) nhưng New Viet Dairy hiếm khi xuất hiện trên truyền thông. Chủ tịch HĐQT công ty – ông Didier Lachize, cùng vợ người Việt Nam đã xây dựng công ty này 23 năm nay.
Chia sẻ về sức mạnh của một công ty gia đình mà những mô hình doanh nghiệp khác không thể có, ông Didier Lachize cho biết: "Đó là việc chúng tôi nghĩ về việc kinh doanh của mình suốt cả ngày một cách tự nhiên, điều mà các công ty khác khó có được. Một điểm mạnh khác là các quyết định mang tính chiến lược có thể đưa ra chỉ trong vòng vài phút điều mà các công ty lớn có quy mô tương tự có thể mất nhiều ngày, thậm chí hàng tháng với rất nhiều cuộc họp".
Chủ tịch HĐQT của công ty food service lớn nhất Việt Nam còn bổ sung một lợi thế đặc biệt khác: "Nhờ vào tình yêu lớn với thực phẩm, chúng tôi quyết định chỉ giữ tỷ suất lợi nhuận ở mức hợp lý và luôn nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đầu tư mạnh vào hạ tầng công nghệ. Vì thế, các công ty khác muốn gia nhập thị trường cũng rất khó cạnh tranh với chúng tôi".
Tại Công ty gốm sứ Minh Long – doanh nghiệp gốm sứ lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm khoảng 1.000 tỷ đồng, sức mạnh đặc biệt cũng đến cũng đến từ điều tương tự. Tương tự như New Viet Dairy, Công ty gốm sứ Minh Long cũng là doanh nghiệp chỉ giữ tỷ suất lợi nhuận khoảng 5% trên doanh thu, nhưng đầu tư rất lớn vào các dây chuyền sản xuất, công nghệ mới và sản phẩm mới.
Thậm chí khi gặp khủng hoảng về giá nguyên liệu đầu vào, lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn, mang tính sống còn, nếu giảm chất lượng sản phẩm để bán giá thấp thì có thể sống sót nhưng ông Lý Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT công ty tuyên bố: "Làm cách đó thì thà tui chết đi còn hơn!". Nhà sáng lập gốm sứ Minh Long đã quyết đinh "mở một con đường máu" và nghiên cứu ra cách làm mới, áp dụng công nghệ mới để sản xuất được sản phẩm chất lượng chuẩn gốm sứ 5 sao châu Âu nhưng giá thành lại thấp.
Nhờ niềm đam mê khó tin với gốm sứ, ông Lý Ngọc Minh - Chủ tịch HĐQT đã tìm ra công nghệ để làm được những sản phẩm gốm sứ cao cấp chỉ đốt ở nhiệt độ cao (1.380 độ C) một lần duy nhất (trên thế giới chỉ có duy nhất Minh Long làm được điều này).
Chưa hết, ở một công ty không phải lấy ý kiến ai về việc có đem lại lợi nhuận hay không, ông Lý Ngọc Minh đã quyết định bán ra thị trường những sản phẩm gốm sứ có chất lượng cao nhất của châu Âu (5 sao) nhưng với giá tiền mà người lao động bình dân cũng có thể mua được. Vấn đề còn lại mà ông Minh vẫn lưỡng lự chưa quyết làm là phải quảng bá thật mạnh để hàng chục triệu người dân Việt Nam biết điều đó nhưng: "Cái đó tốn tiền quá!".
Giá trị trong khủng hoảng
Nhiều năm trước, công ty Sơn Kova gặp một vụ khủng hoảng và nhiều nhà phân phối cho hãng này cũng thiệt hại lớn. Thế nhưng, thay vì việc rời đi, những nhà phân phối chủ chốt vẫn bám trụ và chia sẻ khó khăn cùng những thành viên gia đình Kova. Nguyễn Duy, CEO Kova Trading (thế hệ thứ 3 của nhà Kova) chia sẻ: "Năm xưa, khi họ tay trắng lên Sài Gòn kinh doanh thì bà và ba mẹ là người giúp đỡ, giúp thay đổi cuộc đời gia đình họ nên lúc đó họ không từ bỏ Kova. Đó là những giá trị thực sự bền vững giúp doanh nghiệp đi qua sóng gió".
Trong giai đoạn cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19 cũng như đến tận ngày hôm nay, Công ty Sơn Kova không cắt giảm nhân sự cũng không cắt giảm lương. "Chúng ta khó thì họ cũng khó nên lúc này là phải giữ người và hoàn toàn không phải lo lắng về lợi nhuận của công ty. Với nhà phân phối mà không bán được hàng thì phải hỗ trợ họ", một lãnh đạo cấp cao của Kova cho biết.
Ông Trần Quí Thanh, Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát thì cho rằng, trong khủng hoảng lớn, những thành viên trong công ty gia đình có tinh thần trách nhiệm rất cao và không thể bỏ cuộc vì họ là người chủ sở hữu. "Với doanh nghiệp gia đình, tôi nghĩ tinh thần trách nhiệm và sự gắn kết chắc chắn cao hơn các công ty đại chúng. Do vậy, người lãnh đạo sẽ cư xử với cán bộ, công nhân viên như là những thành viên trong gia đình lớn.
Thêm nữa, doanh nghiệp gia đình không có chế độ nhiệm kỳ như công ty đại chúng nên người lãnh đạo không có tư tưởng vắt kiệt quyền lợi của tổ chức trong một giai đoạn. Ví dụ ở Tân Hiệp Phát, chúng tôi phải nhìn theo đường dài, làm sao tính chuyện trăm năm, làm sao để có một đội ngũ nhìn nhau như đồng chí, cùng thực hiện hoài bão. Từ chỗ gắn bó tốt hơn, khi có sự việc gì đó thì mọi người sẽ đồng lòng hơn", ông Thanh nhận xét. Cũng tương tự như Kova, Tân Hiệp Phát cũng không cắt giảm lương hay sa thải nhân viên vì dịch Covid-19.
Trong quá khứ, khủng hoảng bầu Kiên tại ACB cũng là một ví dụ khác cho thấy giá trị của "gia đình" ở một doanh nghiệp nổi tiếng. Khác với trường hợp công ty gia đình thuần nhất như Tân Hiệp Phát hay Kova, ACB là một công ty đại chúng với hàng chục nghìn cổ đông. Tuy nhiên, gia đình họ Trần là người nắm quyền chi phối các quyết định tại ngân hàng.
Khi không có ai muốn nhận chức Chủ tịch HĐQT vào thời điểm xảy ra khủng hoảng bầu Kiên, Trần Hùng Huy con trai nhà sáng lập ACB (ông Trần Mộng Hùng) là người nhận "ghế nóng". Thời điểm đó cả ông Hùng và vợ (bà Đặng Thu Thủy) đều trở lại HĐQT để hỗ trợ ACB và con trai. Và khi phải đưa ra quyết định khó khăn nhất thời điểm mới ngồi "ghế nóng", ông Huy đã tránh được việc phải sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm chi phí nhờ tư vấn của cha mình.
Nhưng quan trọng hơn, "ACB vượt qua được khủng hoảng lúc đó là nhờ ngân hàng được xây dựng như một gia đình ngay từ khi mới bắt đầu cho đến tận ngày nay. Vào lúc khó khăn, mọi người cùng chung tay để giải quyết chứ không bỏ đi", ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó Tổng giám đốc ACB – một trong 27 người đầu tiên làm việc tại nhà băng này, nhận xét.
Theo Hoàng Ly (Nhịp sống kinh tế)