Bà Hương Trần Kiều Dung là Tiến sĩ Luật Quy hoạch - Xây dựng, Đại học Tổng hợp Montesquieu Bordeaux IV, Pháp và có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn về quản trị doanh nghiệp, tư vấn xây dựng, triển khai dự án, đầu tư, mua bán và sáp nhập tại Việt Nam.
Bà giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn FLC từ năm 2015 đến năm 2017, sau khi nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại Tập đoàn cũng như tại các công ty thành viên. Đầu năm 2017, bà được bầu là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và chính thức kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc từ tháng 7/2018.
Chia sẻ về hai lần giữ chức Tổng giám đốc, bà Kiều Dung cho rằng, khác biệt lớn nhất nằm ở việc quy mô dự án, lĩnh vực kinh doanh của FLC đều có sự mở rộng và tăng trưởng kỷ lục.
"Trước năm 2016, mối quan tâm chính của chúng tôi là đầu tư, xây dựng các dự án trong lĩnh vực bất động sản, nghỉ dưỡng. Sau đó nắm bắt được nhu cầu của xã hội, Tập đoàn đã tăng cường đầu tư trên nhiều lĩnh vực quan trọng khác như hàng không, y tế, nông nghiệp… Đây đều là những lĩnh vực có sức ép cạnh tranh lớn, đòi hỏi nguồn lực đầu tư quy mô, do đó chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong thời gian khá lâu, đặc biệt là nhân tố con người. Có thể nói, đoàn tàu FLC đang tăng tốc mạnh mẽ và nhiệm vụ của ban điều hành là phải giữ cho những đường ray trơn tru để con tàu có thể vững vàng chạy về phía trước" – Tổng giám đốc Kiều Dung chia sẻ.
Là một Tiến sĩ Luật, Tổng giám đốc tập đoàn FLC chia sẻ, khi giải quyết bất cứ vấn đề gì, cần phải thực hiện theo tinh thần của nguyên tắc SUY ĐOÁN VÔ TỘI.
Cho dù đó là nhân viên hay là ai, khi nghe được những thông tin bất lợi về họ, đừng bao giờ nghĩ rằng họ có ý xấu hay đang có vấn đề gì, nếu chưa tìm được bằng chứng.
"Tôi ít khi bị ảnh hưởng bởi thông tin dư luận bên ngoài. Dư luận bên ngoài dù tốt hay xấu, kể cả về Tập đoàn cũng không ảnh hưởng tới đường lối của tôi và Ban lãnh đạo.
Trong công việc, khi nghe thấy thông tin tiêu cực về một cán bộ nhân viên nào đó thì nguyên tắc là mình phải tìm ra chứng cứ xác thực chứ không vì thế mà có định kiến với họ ngay. Nếu không, sẽ rất dễ khiến cán bộ nhân viên đó tổn thương về lòng tự trọng, và có thể sự hiểu lầm sẽ dẫn đến mất người vì những lý do không đáng. Bao giờ bạn chứng minh được người ta có tội thì họ mới có tội, không được áp đặt là người đó có tội trước rồi mới đi chứng minh các tội lỗi đó. Về tình cảm, mình có thể yêu quý người này hơn người kia, nhưng trong công việc, nhất định phải đảm bảo sự công bằng" – Tổng giám đốc Kiều Dung khẳng định.
Khi được hỏi, nếu đã "truy đến cùng" nhưng vẫn không tìm được bằng chứng để chứng minh cấp dưới có "tội lỗi", dù cảm thấy họ thực sự đã mắc sai lầm thì phải xử lý thế nào, bà Dung cho rằng, nếu sự việc thật sự nghiêm trọng thì mới cần đi đến cùng. Còn ở mức cảnh báo thì không nhất thiết, đôi khi, chỉ cần các bộ phận chức năng làm nhiệm vụ xác thực thông tin thì nhân viên đó đã đủ biết để tự điều chỉnh và thay đổi. Nếu cần cũng nên cho họ một cơ hội để sửa sai. Nhưng nếu lần sau còn tiếp diễn thì chắc chắn phải làm tới "tận gốc".
Chia sẻ về công tác quản lý nhân sự tại Tập đoàn, bà Kiều Dung cho hay, ở FLC, "tình người rất được coi trọng". Tập đoàn giữ người bằng tình cảm nhiều hơn. Từ các cấp lãnh đạo cao nhất cũng sống rất tình cảm nên không gắt gao "thiết quân luật" theo kiểu quân đội. Thế nhưng, bà cũng có những "chế tài" riêng, ví dụ như quân sai thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm liên đới thậm chí nặng hơn.
"Các cấp lãnh đạo trực tiếp phải chịu trách nhiệm về toàn bộ sai phạm của cán bộ dưới quyền. Ở FLC, có những lãnh đạo phụ trách nhiều ban, quân rất đông nên có lúc chính trưởng ban nhân sự còn phải xin vì sợ phạt như thế lãnh đạo cũng hết lương. Tuy nhiên, khi đưa ra chế tài này, chúng tôi mong muốn tự bản thân mỗi nhân viên sẽ phải suy nghĩ khi để lãnh đạo của mình chịu phạt và từ đó, phải tự giác thay đổi, nỗ lực để phấn đấu hơn" – bà Dung giải thích.
Cũng theo người đàn bà thép của FLC, Tập đoàn không bao giờ coi những người rời đi là người ngoài. Họ có thể rời đi nhưng đây chỉ đơn giản là cơ hội để họ có thêm sự trải nghiệm về môi trường hai bên. Có người tìm được môi trường phù hợp hơn thì mừng cho họ. Còn không thì Tập đoàn sẽ tạo điều kiện để họ quay về. Khi đã hiểu văn hóa, những người trở về hiếm khi rời đi, sẽ ở lại gắn bó rất dài lâu.
Chia sẻ thêm về sự tham gia của các lãnh đạo nữ trong bộ máy của một Tập đoàn gây dựng danh tiếng từ những lĩnh vực đậm chất "nam tính", bà Dung tiết lộ, tại FLC, phụ nữ được trao quyền trong tất cả các cấp quản lý và đặc biệt là cấp cao nhất trong bộ máy điều hành, khi Ban Tổng giám đốc có đến hơn 50% lãnh đạo là nữ.
FLC không có ranh giới và định kiến về việc phụ nữ nên và không nên tham gia quản lý lĩnh vực nào, do đó tập đoàn sắp xếp các nhân sự quản lý chủ yếu dựa trên tố chất, kỹ năng và kinh nghiệm của chính bản thân nhân sự đó.
Nhắc tới bí quyết để cân bằng giữa công việc là cuộc sống, sao cho "giỏi việc nước, đảm việc nhà", bà Kiều Dung cho rằng: "Đừng bao giờ quên mình là một người phụ nữ, đừng từ chối những điểm mạnh đặc trưng như sự khéo léo, dẻo dai, chân thành, thân thiện và chu đáo – những đặc tính vốn rất nổi tiếng ở phụ nữ Việt Nam. Không phải vì mình là lãnh đạo mà phải gồng mình lên, phải "nam tính" hơn cho giống, cho bằng một hình mẫu lãnh đạo nào đó".
"Chúng ta có gia đình nhỏ để chăm lo và "gia đình lớn" là doanh nghiệp để quán xuyến. Hãy mang những phẩm chất, những ưu thế của phụ nữ vào cả kinh doanh cũng như cuộc sống gia đình và tận dụng điều đó thật hiệu quả. Tôi tin rằng sự tận tâm, chân thành và những nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ luôn được ghi nhận và mang lại kết quả tốt đẹp, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Thiên chức làm vợ, làm mẹ bản thân điều này không có gì mâu thuẫn với vai trò và vị trí của người phụ nữ trong trong xã hội. Bí quyết nằm ở sự cân bằng, và không chỉ là cân bằng giữa hai thái cực công việc – gia đình như lâu nay chúng ta hay nói.
Sự cân bằng cần đến từ ba phía: công việc – gia đình và chính bản thân người phụ nữ. Cả ba yếu tố này cần được tôn trọng, nếu gồng mình lên để chạy theo các mục tiêu về công việc hoặc gia đình mà bỏ quên chính bản thân mình thì không có gì là lâu bền cả" – bà Dung khẳng định.
Nhắc tới người có nhiều ảnh hưởng tới tính cách và con đường đi của mình, bà Kiều Dung chia sẻ, người thầy đầu tiên "dìu dắt" bà chính là Bố. Sau khi tốt nghiệp Đại học, bà Dung đã nghĩ tới việc lập gia đình sớm nhưng tạm gác lại để sang Pháp học Thạc sỹ rồi Tiến sỹ sau câu nói của phụ huynh: "Tình yêu sẽ tìm đến mình, còn sự học thì mình phải tìm đến nó".
Ông cũng rèn con gái sự bản lĩnh, biết chấp nhận hy sinh và luôn ghi nhớ rằng, muốn thành công và làm chủ cuộc đời mình thì không có con đường nào khác là phải học.
"May mắn là chồng tôi, lúc đó đang là người yêu vẫn chờ tôi" – bà Dung chia sẻ.
Người thầy thứ hai có nhiều ảnh hưởng tới nữ Tổng giám đốc là cô giáo Đại học. "Cô đã tặng một cuốn sách trước khi đi Pháp và ghi tặng tôi câu ngạn ngữ: "Vouloir c’est Pouvoir" (Muốn là có thể). Điều đó đã trở thành phương châm sống và làm việc của tôi. Đã có những lúc tôi nghĩ rằng mình không thể bảo vệ được luận án tiến sỹ, thực sự rất nhiều áp lực, và rất nhớ thương con trai đầu lúc đó mới 10 tháng tuổi nhưng tôi tự nhủ mình đã ngồi trên lưng hổ rồi thì chỉ có một con đường duy nhất là phải chiến thắng. Cho đến giờ, dù gặp những việc có khó khăn đến mấy tôi cũng không cho phép mình lùi bước".
Người thầy thứ 3 là Giáo sư hướng dẫn luận văn Thạc sỹ và luận án Tiến sĩ. "Ông bảo không thích nghe tôi nói từ "Oui" (Vâng ạ). Ông bảo tôi phải phản biện, phải có chính kiến. Ông nói đây là nước Pháp và học trò có thể trao đổi, tranh luận với thầy như những người bạn, không có khoảng cách và giới hạn. Từ đó tôi thực sự biết tự tin vào bản thân và biết cách tìm ra bản chất để giải quyết mọi vấn đề.
Ông cũng dạy cho tôi tính kiên trì. Ông từng gay gắt với tôi đến mức như thể những gì tôi viết ra là không có giá trị gì, cho đến khi tôi bảo vệ xong luận án Tiến sỹ, ông nói với tôi rằng: Ông đã cố tình đối xử như vậy để tôi phải nỗ lực hơn nữa và sự kiên trì đã giúp tôi thành công.
Người thầy thứ tư gây nhiều ảnh hưởng tới bà Kiều Dung chính là một vị Giám đốc người Pháp.
Bà kể: "Năm 2008, khi trở về Việt Nam, tôi làm luật sư - phụ trách pháp lý cho một tổ chức phi chính phủ của Pháp. Vào thời điểm đó, kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng và Liên minh Châu Âu cắt giảm tài trợ cho các Dự án hỗ trợ bởi vậy tổ chức tôi làm sẽ phải thay thế Giám đốc dự án từ người nước ngoài sang người Việt Nam. Khi tổ chức đề nghị ông Giám đốc đề cử một người Việt Nam thay thế thì thật bất ngờ ông đã đề cử tôi, trong khi có rất nhiều người đã làm việc, gắn bó và có kinh nghiệm với tổ chức hơn 10 năm. Tôi hỏi ông sao lại chọn tôi? Ông nói: Vì tôi là người công bằng. Và đó chính là điều mà tôi đã nghiệm và áp dụng cho đến giờ. Muốn cán bộ nhân viên gắn bó với mình, với Công ty thì lãnh đạo nhất định phải là người công minh và đối xử công bằng!
Bà Kiều Dung cho rằng, trong cuộc sống bà còn may mắn gặp rất nhiều người thầy khác.
"Có những người dù chỉ là nhân viên nhưng tôi thực sự đã học được ở họ rất nhiều điều. Trong đó, có một điều quan trọng đã được hun đúc trong suốt những năm tháng làm việc với FLC và thực sự tạo nên thành công của tôi ở đây: Hãy luôn suy nghĩ tích cực thì việc to sẽ thành nhỏ, việc phức tạp sẽ thành đơn giản và đúng là không phải ai khác mà chính là "suy nghĩ của bạn sẽ quyết định số phận của bạn".
Nhân dịp 8/3, Tổng giám đốc FLC gửi lời chúc tới "một nửa thế giới" và mong phái đẹp sẽ tự tin và luôn yêu thương bản thân để truyền năng lượng sống tích cực đến với tất cả mọi người. Đừng bao giờ quên mình là phụ nữ - hãy sống cho chính bản thân mình, có như vậy thì mới giữ được lửa và mang lại niềm vui cho công việc, cho gia đình và cho cuộc sống.
Theo Hồng Đăng (Soha/Trí Thức Trẻ)