Phỏng vấn nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân về hệ thống tiền lương
Xem lại cơ chế biên chế suốt đời
- Đãi ngộ tốt là một trong các yếu tố quyết định trong thu hút nhân tài vào bộ máy. Thế nhưng qua nhiều lần điều chỉnh, khoảng cách tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư ở Việt Nam vẫn rất xa. Là người làm lâu năm trong lĩnh vực này, ông nói sao?
- Phải hiểu lương khu vực hành chính công, là khu vực phân phối lại, có nghĩa phụ thuộc vào ngân sách do sự đóng góp của dân, là tiền thuế của dân. Khi trả lương cho khu vực này, phải xem tổ chức bộ máy có phù hợp hay không, hoạt động hiệu lực hiệu quả hay không.
Vấn đề thứ 2 là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Công chức là người được dân trả lương, dân yêu cầu đặt ra bộ máy đó đạt trình độ thế nào và phục vụ ra sao.
Trong khi đó, tại khu vực doanh nghiệp, tiền lương được phân phối lần đầu, đó là một loại chi phí đầu vào, do thị trường quyết định. Muốn lương cao, hạch toán vào chi phí đầu vào cao, nhưng đầu ra, giá thành cao hơn giá bán thì thị trường lại không chấp nhận. Do đó lại phải ép chi phí xuống, ép tiền lương xuống, nếu không thì thị trường không chấp nhận, phải giải thể, phá sản.
Để tiền lương khu vực công tiếp cận với thị trường được thì kinh tế phải phát triển.
Chúng ta nói chính quyền của dân, khi dân còn thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn thì làm sao công chức có thể đòi hỏi mức lương cao. Anh muốn làm giàu, thu nhập cao thì phải sang khu vực thị trường. Công chức chỉ xác định mức thu nhập trung bình khá.
Tất nhiên có những nước như Singapore xác định lương công chức hành chính cao hơn thị trường để chống tham nhũng. Tuy nhiên phần lớn các nước là lương công chức tiệm cận khu vực thị trường.
- Nói như vậy có vẻ như mục tiêu lương công chức, viên chức cạnh tranh với khu vực tư là điều bất khả thi, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước eo hẹp?
- Phải thừa nhận thực tế lương cán bộ, công chức đang thấp hơn khu vực thị trường, thậm chí nhiều người không đủ sống.
Vấn đề còn nằm ở cách tính lương, cách đánh giá cán bộ, ở bộ máy cồng kềnh, chưa tinh gọn…
Chúng ta phải hiểu chiếc bánh ngân sách đang chia thành 4 phần. Một phần dành cho đầu tư phát triển, một phần trả nợ nước ngoài, một phần dành cho chi thường xuyên (trong đó có chi lương) và một phần dự phòng.
Muốn lương khu vực công tăng thì bánh ngân sách phải to ra, nguồn phải tăng. Thứ 2, phải sắp xếp lại bộ máy cho hợp lý, biên chế hợp lý.
Khi có nguồn và người rồi thì phải có cơ chế đánh giá, trả lương sao cho khuyến khích làm việc tốt. Làm việc tốt thì hưởng lương cao, chưa tốt thì thấp, và đến lúc nào đó sẽ đào thải. Cơ chế biên chế suốt đời trong khu vực hành chính cần phải xem xét lại.
Khu vực Nhà nước cần ổn định nhưng không có nghĩa là mãi mãi, không thể sáng cắp ô đi, tối cắp ô về đến lúc anh nghỉ hưu. Cần phải thay một cơ chế theo hợp đồng. Hiện nay, thôi việc được một công chức rất khó, cho dù biết họ làm việc không hiệu quả, tốn tiền của của dân.
Còn hệ thống tính lương hiện nay với khu vực này khá phức tạp. Lương quy định bằng hệ số, mỗi vị trí, chức vụ lại hưởng lương chuyên môn cộng phụ cấp chức vụ dẫn đến một chức vụ thì chỉ giống nhau phần phụ cấp, phần chính mỗi ông một bậc. Ông trẻ tuổi làm vụ trưởng thì chỉ giống phần phụ cấp chức vụ, nhưng khác nhau phần lương chuyên môn, mà khoản này lại phụ thuộc thâm niên.
Lương phải là nguồn thu nhập chính
- Có vẻ cách tính lương theo hệ số đang là bất cập lớn hiện nay. Giải quyết nó thế nào, theo ông?
- Cần thay đổi theo nguyên tắc thị trường, có con số tuyệt đối giữa các chức vụ, theo thị trường quy định.
Khu vực này cần phải đơn giản hóa, lương phải đi theo chuyên môn vàphụ cấp. Thông lệ các nước là phải quy định bằng tiền. Làm sao lương phải cơ bản, phần mềm là phụ thêm, là thưởng.
Trong khu vực này cũng phải thực hiện theo nguyên tắc lương phải là nguồn thu nhập chính, đảm bảo đời sống. Nhiều người vẫn kêu lương thấp, mọi người vẫn sống vui vẻ, do lương và thu nhập khác nhau. Thế nên mới hình thành 2 khái niệm: lương thưởng và lương lậu. Thu nhập làm bằng đúng trí thuệ của mình thì gọi là lương thưởng. Ông nào hoạt động không minh bạch thì gọi là lương lậu. Thậm chí phần chênh lệch giữa thu nhập và lương khác nhau rất nhiều.
- Có nhiều người nói rằng bản thân chế độ lương thấp cũng là nguyên nhân của hiệu quả bộ máy kém, tham nhũng, sách nhiễu?
- Khi lương quá thấp, không đủ sống, người ta phải tìm cách có những công việc khác để bù trừ. Chính những cái đó làm cho chất lượng công vụ giảm. Nó cũng sinh ra rất nhiều chuyện tiêu cực, nhũng nhiễu, thậm chí là tham ô, hối lộ, tham nhũng.
Vấn đề chúng ta phải nâng dần lương lên. Tuy nhiên, khi nâng lương lên thì miếng bánh lương hạn chế, lấy tiền ở đâu nâng? Lại có câu chuyện lương như thế thì chỉ làm trong khoảng ấy thôi, hoặc làm như thế thì chỉ được lương như thế. Đó là những câu chuyện lòng vòng, khó có thể đột phá.
Như tôi đã nói, chúng ta cần có giải pháp là sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nền công vụ hiệu quả. Khi đó phải chọn con người có đủ năng lực. Tuy nhiên, khi lương quá thấp lại khó thu hút người tài.
Tổ chức lại bộ máy đi trước một bước
- Không ít người sốt ruột rằng chúng ta nói cải cách mãi mà vẫn cứ loay hoay. 4 lần cải cách tiền lương, hơn 10 lần điều chỉnh lương tối thiểu, thế nhưng các vấn đề của hệ thống lương bổng, bộ máy vẫn còn đó?
- Sốt ruột để cải cách cũng không thể được. Ngân sách phải nuôi khá nhiều người, ở nhiều tổ chức bộ máy, mà để nói thực sự có phục vụ sát sườn cho dân hay không thì khó.
Tổ chức lại bộ máy cần phải đi trước, làm sao sắp xếp lại cho tinh gọn, rồi xác định con người, tạo ra một cơ chế lương để khuyến khích người giỏi, phân biệt người làm tốt, người làm chưa tốt, công bằng chứ không phải bình quân. Chúng ta đang để người làm tốt và không tốt là lương như nhau.
Ngoài ra phải tạo nguồn cho chi trả lương. Ngoài tiền chi cho bộ máy, thì tiết kiệm các việc khác để có tiền chi cho tiền lương. Trên cơ sở đó nâng cao đời sống công chức, tiếp cận thị trường. Đòi hỏi công chức có lương cao hiện nay là khó.
- Ngoài đội ngũ 2,5 triệu công chức thì theo thống kê năm 2016, Việt Nam có tới hơn 7 triệu người thuộc nhóm đối tượng khác, bao gồm các viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, hưởng lương từ ngân sách. Giải quyết bài toán nâng lương và cải thiện hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập thế nào?
- Khu vực các đơn vị sự nghiệp công lập có thể kể đến là các trường học, bệnh viên, cơ quan báo chí… Chúng ta cũng phải xác định rất rõ bệnh nhân, học sinh sinh viên…, những người sử dụng dịch vụ là người trả lương. Bản thân viên chức cũng phải phục vụ thì người dân mới đến. Nhà nước cũng đóng vai trò đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm bớt chi phí, tạo điều kiện cho người dân, học sinh…
Tuy nhiên nguyên tắc của khu vực này phải tự chủ. Giám đốc, hiệu trưởng không chỉ nắm vai trò chuyên môn mà phải là một người quản lý, phải có kỹ trị trong quản lý. Họ điều hành hoạt động ra sao, đãi ngộ như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, để viên chức của ông có cuộc sống tốt, thế thì họ mới gắn bó với đơn vị.
Các giáo sư, bác sĩ bệnh viện ở nước ngoài đều chuyển sang cơ chế hợp đồng. Họ có thể làm ở một cơ quan, hoặc nhiều cơ quan, đơn vị, có thể trả lương theo từng giờ giảng, ca mổ. Người nào càng giỏi sẽ càng được thuê nhiều hơn, ai chưa giỏi thì phải tự vươn lên. Như thế mới có thể nâng cao chất lượng chuyên môn, tạo cơ chế năng động, gắn với nhiệm vụ.
Khu vực công cũng phải dần bỏ làm những công việc mà xã hội làm được, làm tốt hơn Nhà nước. Nhà nước chỉ làm những việc khó, xã hội không làm được, đấy mới là một xã hội tiến bộ.
Khi đó bộ máy sẽ giảm đi, chi phí tiền lương xã hội sẽ giảm đi, xu hướng khu vực này phải hạch toán như khu vực doanh nghiệp. Trước kia Nhà nước ôm hết, gần đây đã giảm đi. Nhưng “cuộc đời” cho thì rất dễ, nhưng giảm đi là cả một câu chuyện.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)