Người dân lo giá cả sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng trước việc xăng, điện đồng loạt tăng giá. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bích Hồ cho biết, giá điện tăng, vấn đề nằm ở tính minh bạch giá thành. “Người dân vẫn chưa yên tâm với cách tính giá thành điện hiện nay. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói, tăng giá sẽ tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, giúp bù lỗ, cải thiện khả năng tích lũy để đầu tư tiếp... Tất cả lý do nêu lên chưa đủ sức thuyết phục, rất khó chấp nhận do anh còn độc quyền. Giờ giá điện tăng người dân phải chấp nhận, nhưng họ yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu EVN”, TS Hồ nói.
Chuyên gia về giá Ngô Trí Long nói: Điện và xăng dầu là yếu tố đầu vào quan trọng với toàn bộ nền kinh tế. Khi hai mặt hàng này tăng giá sẽ tác động tới tất cả hàng hóa và kéo mặt bằng giá lên. Khi điện tăng 7,5%, các cơ sở tiêu thụ điện lớn cũng quyết định sẽ tăng giá hàng hóa ở mức tương ứng. Theo vị chuyên gia này, giá cả thời gian qua thấp không phải do chúng ta cải thiện được năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ yếu do giá xăng dầu giảm, sức mua yếu, hàng tồn nhiều nên doanh nghiệp phải giảm giá bán.
“Trong khi chi phí đầu vào tăng, nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá bán hàng hóa, vì lo sức mua lại giảm, khiến tồn kho tăng… Hậu quả, doanh nghiệp đã khó càng khó thêm, thu nhập người lao động giảm, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp tăng, xa hơn là suy thoái kinh tế”, ông Long nói.
Đồng tình với ý kiến về giá điện chưa minh bạch, ông Long bổ sung, giá thành điện hiện nay được EVN đưa vào cả các yếu tố về quản trị kém, thất thoát lớn, đầu tư ngoài ngành, chi phí bất hợp lý (chi tiền làm biệt thự, bể bơi, thăm nước ngoài…).
Ngoài ra, EVN so sánh giá điện với các nước trong khu vực rồi nói Việt Nam còn thấp cũng không thuyết phục. Ông dẫn chứng, giá điện của Malaysia tương đương Việt Nam, nhưng nước này có hơn 90% lượng điện là từ nguồn nhiệt điện (than, khí, dầu) - mức giá bằng Việt Nam là thấp. Trong khi đó, Việt Nam có gần 60% là từ thủy điện, mà giá bằng Malaysia là quá đắt.
“Tất cả những lý do EVN đưa ra đều là ngụy biện, chứng tỏ cơ quan chức năng chưa thực hiện đúng vai trò giám sát và kiểm tra, để EVN tính chi phí giá thành một cách hợp lý. Còn nói giá điện tăng mọi người được hưởng, hoặc nói là nếu không tăng giá sẽ phá sản, đó là điều phi lý, phi thị trường, không chấp nhận được”, ông Long nói.
Về giá xăng dầu, cả TS Lưu Bích Hồ và TS Ngô Trí Long đều đồng tình, hiện giá xăng dầu đã cơ bản theo thị trường thế giới, nên khi tăng lúc giảm. Vấn đề chỉ nằm ở việc điều tiết quỹ bình ổn và hài hòa lợi ích của người tiêu dùng với doanh nghiệp. “Tuy nhiên, vừa rồi chúng ta tăng thuế môi trường với xăng dầu quá cao, quá sốc (tăng lên 3.000 đồng/lít xăng)”, ông Long nói.
Giá xăng tăng thêm 1.600 đồng lúc 15h ngày 11/3 sẽ góp phần tạo nên một mặt bằng giá mới. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Theo TS Lưu Bích Hồ, đợt tăng giá xăng dầu và điện này sẽ tác động lên giá lương thực thực phẩm. Do mặt hàng lương thực thực phẩm chủ yếu phụ thuộc vào mùa màng, đầu ra, nếu giá có tăng cũng không nhiều (trừ khi mất mùa). Tuy nhiên, theo TS Hồ, với giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng, tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán thì lấy ai mua, tồn kho lại tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, TS Hồ dự báo.
TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại việc tăng giá xăng dầu, điện, phí môi trường xăng dầu sẽ khiến giá các hàng hóa, dịch vụ, từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở… tăng theo và lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Theo ông Doanh, giá xăng tăng do giá dầu thế giới tăng, nên phải chấp nhận. Tuy nhiên, với giá điện hiện đang là độc quyền. Đến nay, giá thành điện chưa được giải trình, các yêu cầu của Thủ tướng với ngành điện về tăng năng suất lao động thế nào, giảm biên chế thế thừa, giảm hao hụt truyền tải ra sao… cần làm rõ thêm.
Cái nữa, giá điện tăng một lần 7,5% là quá cao, khiến các DN sử dụng nhiều điện trở tay không kịp. Nếu tăng 3-4%, DN có thể tiết kiệm, hoặc điều chỉnh, tìm cách thích nghi dần. “Năm 2015 là năm hội nhập, các dòng thuế nhập khẩu mình phải giảm, hàng hóa nước ngoài vào rẻ hơn. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ không thể nào cạnh tranh được”- ông Doanh nói.