Dù các trung tâm, siêu thị điện máy liên tục tung ra nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá đối với tất cả phân khúc sản phẩm nhưng vẫn khó kích cầu trong thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
"Đạp" giá liên tục
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt hàng tivi có sức mua sụt giảm mạnh nhất trong các nhóm sản phẩm bày bán tại trung tâm, siêu thị điện máy ở TP HCM. Theo đó, những tháng đầu năm nay, tiêu thụ tivi giảm 40%-50% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo giá bán mặt hàng này giảm mạnh 30%-40% so với những tháng cuối năm ngoái. Hàng loạt sản phẩm điện máy khác cũng sụt giảm sức mua khoảng 30% và giảm giá bán 20%-30%.
Phụ trách mảng điện máy của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT công ty, cho rằng các mặt hàng điện máy chủ yếu có giá trị lớn. Trong khi đó, người tiêu dùng không cần thiết phải mua hàng mới nếu đồ cũ vẫn sử dụng được nên tất yếu dẫn đến tồn kho tăng cao.
Ông Ngô Thanh Hiếu - phụ trách kinh doanh tại một siêu thị điện máy ở quận Tân Bình, TP HCM - cho hay tình hình kinh doanh ế ẩm đã đẩy tồn kho mặt hàng điện máy từ mức thông thường là 1-2 tuần bán hàng lên 5-6 tháng bán hàng. Để kích cầu, nhà bán lẻ chấp nhận giảm giá tận đáy đối với nhiều mặt hàng, thậm chí chấp nhận lỗ "kép", tức lỗ trên giá sản phẩm cùng các chi phí vận hành khác, song vẫn không ăn thua.
Theo ông Hiếu, có 4 nhóm đối tượng mua hàng chủ yếu, gồm: nhóm mua hàng mới để thay thế thiết bị cũ trong gia đình, nhóm thay đổi từ thiết bị nhỏ sang lớn hơn, nhóm mua mới để "chạy đua" theo công nghệ và mua mới do gia đình chưa có đồ dùng. Trong đó, nhóm khách hàng có nhu cầu đổi từ thiết bị có kích cỡ nhỏ sang lớn hơn chiếm tỉ lệ cao nhất nhưng lại có sức mua giảm mạnh nhất.
Bên cạnh đó, khách hàng mua sản phẩm điện máy với hình thức trả góp trước đây chiếm tỉ lệ khoảng 30%-40%, nay giảm mạnh chỉ còn dưới 10%. Nguyên nhân là do lãi suất ngân hàng tăng cao, buộc người tiêu dùng phải cân nhắc kỹ hơn về khả năng trả nợ hằng tháng. Ngoài ra, không ít người mua hàng trả góp hiện không còn khả năng thanh toán, trở thành khách hàng có nợ xấu và không được xét duyệt để tiếp tục vay tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trường Thanh, giám đốc một công ty phân phối hàng điện máy tại TP HCM, thừa nhận dù phía hãng đã giảm giá cho nhà phân phối với mức khoảng 1 triệu đồng/sản phẩm nhưng vẫn không "thấm" vào đâu so với đà giảm giá mạnh trên thị trường. Để tiêu thụ, nhà phân phối phải giảm giá thêm 1-2 triệu đồng/sản phẩm.
Chậm phục hồi
Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Thường trực HĐQT Công ty CP Viettronics Tân Bình, nhận định sức mua hàng điện máy đã xuống thấp nhất từ trước đến nay. Các nhà bán lẻ điện máy sẽ phải tiếp tục "đạp" giá sản phẩm đến hết năm nay, thậm chí kéo dài sang năm sau để ít nhiều tiêu thụ được sản phẩm.
Theo ông Duy, những năm trước, các hãng sản xuất liên tục đưa ra thị trường sản phẩm mới với nhiều công nghệ nhằm kích thích khách hàng mua sắm. Trong khi đó, từ năm ngoái đến nay, thị trường chưa ghi nhận sản phẩm mới nào có công nghệ, tính năng nổi bật để thu hút nhóm người tiêu dùng có điều kiện. Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất điện máy đánh giá sức mua sẽ tăng mạnh sau đại dịch COVID-19 nên đã dự trữ nguồn hàng lớn song sức mua không những không tăng mà thậm chí còn quay đầu giảm mạnh.
Một số nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đánh giá thị trường khó có thể phục hồi trong năm nay bởi đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sức mua sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là bởi tình hình tài chính khó khăn khiến người tiêu dùng không có khả năng mua sắm ngay cả những sản phẩm điện máy gia dụng thiết yếu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm, thanh khoản yếu cũng khiến sức mua hàng điện máy giảm theo đáng kể.
Theo Nguyễn Hải (Nld.com.vn)