Ảnh minh họa |
Nợ nần đã có dân lo…
Các địa phương sẽ phải vay lại vốn ODA từ Chính phủ, thay vì được cấp phát như hiện nay.
Bộ Tài chính cho biết, việc cho các địa phương vay lại vốn ODA nhằm nâng hiệu quả sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng đầu tư tràn lan, dự án chậm tiến độ và đội vốn đang diễn ra phổ biến tại các địa phương.
Bộ này chỉ rõ: “Một số ngành, lĩnh vực CSHT có khả năng hoàn vốn cao như: ngành điện, nước, một số dự án hạ tầng giao thông... sẽ phải đi đầu thực hiện cơ chế cho vay lại vốn ODA để tăng cường hiệu quả dự án, trách nhiệm của chủ đầu tư”.
Cho đến nay, các dự án điện và giao thông được cho là “ngốn” nhiều vốn ODA nhất. Bộ Tài chính cho biết ngành giao thông sử dụng nhiều vốn nhất. Riêng vốn vay nước ngoài là khoảng 20% tổng nguồn vốn vay. Về vốn ODA, từ năm 1990 tới 2013, ngành GTVT đã được bố trí để thực hiện 132 dự án với tổng vốn hơn 17 tỷ USD.
Một loạt dự án sử dụng vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực giao thông đã bị báo chí phản ánh chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phụ thuộc lớn vào những khoản tín dụng ODA từ các tổ chức tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn song phương từ các Chính phủ như Nhật Bản, Pháp, Đức... Tổng giá trị vay ODA của tập đoàn này lũy kế đến nay cũng đạt hàng tỷ USD…
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Tâm lý vốn ODA "cho không, phát không” trước nay rơi nhiều vào các cơ quan Nhà nước, các địa phương, các ngành hạ tầng chủ chốt. Họ nghĩ vốn này là Nhà nước vay, Nhà nước trả nợ nên họ cứ xin, cứ chạy dự án ODA về cho mình. Gánh nặng nợ nần đã có hơn 90 triệu người dân Việt Nam lo, do vậy yếu tố vay phải trả đã bị xóa nhòa đi, họ không nghĩ là họ phải vay nên nếu có dự án thì họ sẽ có thành tích với địa phương và nếu có tham nhũng thì tiền cũng sẽ vào túi họ, đều có lợi cả. Vụ JTC đường sắt đã để xảy ra tiêu cực trong sử dụng vốn ODA cho đến nay vẫn là một điển hình”.
Đừng để gánh nặng cho con cháu
Theo ước tính của Bộ GTVT, nhu cầu đầu tư vào hạ tầng giao thông trong 5 năm tới (2016-2020) khoảng 40-50 tỷ USD. Để có được số vốn này, Bộ GTVT sẽ phải tiếp tục phụ thuộc không nhỏ vào vốn vay ODA. Năm 2015, số vốn được giải ngân của Bộ GTVT chỉ đạt trên 4 tỷ USD. Như vậy, nếu trong giai đoạn sắp tới, mỗi năm phải huy động khoảng 7 tỷ USD, tức là gần gấp đôi con số đã giải ngân trong năm 2015.
Tương tự, giai đoạn 2016 – 2020, EVN cũng đặt mục tiêu đảm bảo tiến độ các dự án điện trọng điểm và cấp bách, với tổng số vốn cần huy động khoảng trên 600.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tổng giá trị đầu tư xây dựng của EVN dự kiến là 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2015. EVN đang kỳ vọng tiếp tục nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế và tài chính, kịp thời bổ sung nguồn vốn, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình điện.
Mới đây nhất, EVN còn đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt cơ chế đặc thù thực hiện các dự án điện, làm cơ sở thực hiện; vay vốn ODA làm nguồn ngân sách cấp cho các chủ đầu tư để đảm bảo nguồn vốn thực hiện đúng tiến độ các dự án điện nông thôn giai đoạn 2016 – 2020. EVN kiến nghị cho phép các dự án điện được vay lại của Bộ Tài chính nguồn vốn ODA và các nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài theo đúng các điều kiện cho vay của nhà tài trợ, không áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng làm tăng chi phí đi vay đối với các dự án.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng, rõ ràng các ngành điện, nước, giao thông không dễ dàng dứt và muốn dứt “bầu sữa ODA phát không” song Nhà nước cần phải dứt khoát “cai” và áp dụng cơ chế cho vay lại vốn ODA.
Ông Nguyễn Quang A cho rằng, sử dụng vốn vay ODA chúng ta bị ràng buộc rất nhiều, như phải sử dụng nhà thầu nước cho vay ODA; phải dùng công nghệ, máy móc, thiết bị của chủ nợ; phải có vốn đối ứng để cùng thực thi dự án. Vì vậy, cứ cho không biếu không cho các ngành, các địa phương làm các dự án kém hiệu quả mà không phải chịu trách nhiệm trả nợ thì nền kinh tế và con cháu mai sau phải trả giá đắt.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp dụng cơ chế cho các địa phương vay lại vốn ODA từ Chính phủ; đặc biệt là với các dự án hạ tầng giao thông, điện, nước… là giải pháp hợp lý. Điều này cho phép lựa chọn các dự án hiệu quả, thật bức bách mới cấp vốn cho địa phương vay.
Các dự án thuộc các lĩnh vực này và những địa phương muốn làm dự án phải tính toán, cân nhắc việc đầu tư chứ không thể cứ vẽ dự án lấy tiền rồi để đó hoặc làm đội vốn… Đây cũng là trách nhiệm của các ngành, địa phương trong vấn đề sử dụng vốn vay ODA.
Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại khẳng định: Từ năm 2017, theo quy định Luật ngân sách mới, ngân sách địa phương được phép bội chi, tức là được vay nợ và phải có nghĩa vụ trả nợ. Tới đây Nhà nước sẽ chỉ tập trung vốn ODA vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm. Các địa phương có tiềm lực tài chính tốt, nộp ngân sách về trung ương phải chia sẻ trách nhiệm về gánh nặng nợ qua việc cho vay lại vốn ODA. “Cơ chế mới này sẽ tăng tính hiệu quả của khoản vay bởi chắc chắn các địa phương sẽ cân nhắc vay và sử dụng vốn ODA” - ông Long khẳng định.
Ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính - cho biết trong 10 năm qua, trung ương đã giải ngân 15 tỉ USD vốn ưu đãi (ODA) cho các dự án, chương trình đầu tư của địa phương. Tuy nhiên có đến 92,2% số vốn này được Trung ương cấp phát cho các địa phương (tương đương 14 tỉ USD). Chính vì cơ chế cấp phát ODA cho dự án của địa phương nên hầu hết dự án sử dụng vốn ODA có hiệu quả không cao. Hầu hết các dự án, đặc biệt là dự án giao thông, chậm tiến độ, đội vốn rất lớn so với tổng mức đầu tư ban đầu.
Theo Hồng Khanh (Dân Việt)