Chị Thu Hằng (Long Biên, Hà Nội) ngày mùng 2 Tết gọi xe ghép đi về quê Hải Dương chúc Tết đầu năm được báo giá 400.000 đồng/lượt. “Ngày thường, giá đi xe chung chỉ khoảng 300.000 đồng/lượt. Đi xe chung rất tiện vì lái xe đón tận nhà và trên xe chỉ đón tối đa 3 khách. Nhiều hôm lượt tôi đi chỉ có mình tôi nhưng nhà xe vẫn lấy giá 1 chỗ thay vì giá 1 triệu đồng/bao xe”, chị Hằng cho biết.
Chị Nguyễn Loan (Thái Nguyên) cũng cho biết đã nhận được báo giá gọi xe chung từ Thái Nguyên xuống Hà Nội tăng khá mạnh so với ngày thường. Do không có nhiều xe chạy dịp Tết nên chị Loan phải chấp nhận đặt xe ngày mùng 3 Tết để xuống Hà Nội với với giá 300.000 đồng/lượt thay vì 200.000 đồng/lượt như ngày thường.
Trời rét đậm những ngày Tết nên nhu cầu đi lại du xuân, chúc Tết của người dân ở các địa phương tăng rất mạnh. Để gọi xe ghép, khách phải đặt hẹn trước trên các nhóm zalo, Facebook... hoặc theo giới thiệu của người quen.
Anh Nguyễn Văn Trung, lái xe dịch vụ đi xe ghép chia sẻ, do nhu cầu thuê xe chung tăng cao vào dịp Tết nên nhiều hôm hết xe, anh phải từ chối khách. “Những ngày giáp Tết và ra Tết, tôi chạy xe từ sáng đến tối. Giá dịch vụ những ngày này cũng tăng từ 10-20% so với ngày thường”, anh Trung nói.
Anh Mạnh Tường, trưởng nhóm xe ghép trên nhóm zalo chia sẻ, những đầu năm thiếu xe bởi nhiều lái xe cũng bận việc gia đình hoặc về quê ăn Tết, nghỉ chạy nên nhìn chung rất thiếu xe ghép 4 chỗ và 7 chỗ. Dù ít xe hoạt động nhưng với xe 7 chỗ, các tài xế cũng chỉ đón tối đa 3 người để đảm bảo dịch vụ cho khách để nhiều đồ lễ Tết đầu năm.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhu cầu dịch vụ xe ghép đang nóng ở nhiều tuyến như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ, Hoà Bình…
So với loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định như xe khách, xe ghép có giá cao hơn. Tuy nhiên, thay vì phải đến một bến cố định để chờ xe, thì dịch vụ xe ghép đón hành khách tại nhà và trả tận điểm muốn đến, đảm bảo trong khung thời gian hành khách cần. Chính những tiện ích này đã khiến nhiều hành khách dần bỏ thói quen đi các loại hình vận tải truyền thống để chuyển sang sử dụng dịch vụ xe ghép.
Nếu như trước đây, các xe chạy độc lập thì hiện nay, nhiều xe đã thành lập nhóm, hội xe ghép xuyên tỉnh để tận dụng tối đa lượng khách dịp Tết. Anh Mạnh Tường cho biết thêm: “Nhóm của tôi có 20 xe, luân phiên chạy Hòa Bình - Hà Nội. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài. Chuyển từ chạy taxi sang xe ghép, tôi có lượng khách ổn định, đều hơn”.
Để chạy xe ghép khá dễ dàng, chỉ cần có một chiếc xe con, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trích đóng doanh thu... nên loại xe này ngày càng nhiều. Do nhu cầu tăng cao, hiện đã có nhiều người từng là lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe để làm dịch vụ.
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)