Những ngày này, bà con dân tộc Mông ở bản Huổi Ái (xã Mường É, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) ruột gan như có lửa đốt vì dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, ảnh hưởng đến đàn lợn nuôi của cả bản. Theo đó, số lợn nuôi của các hộ dân trong bản đều năm trong diện khoanh vùng tiêu hủy để khống chế dịch lây lan ra ngoài.
Anh Vừ Phái Cá, Trưởng bản Huổi Ái chia sẻ: Đối với người Mông bản Huổi Ái, lợn là vật nuôi quen thuộc của bà con, nhà nào nuôi ít thì 2 đến 3 con, nhà nhiều thì nuôi cả chục con, dù nuôi ít nuôi nhiều thì lợn vẫn là một tài sản đáng giá của bà con, thậm chí nhiều hộ coi lợn như một khoản tiền tiết kiệm của gia đình.
Cả bản có 44 hộ, phần lớn kinh tế gia đình đều khó khăn, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy số lượng lợn nuôi trong bản không nhiều như ở nơi khác, nhưng hầu như hộ gia đình nào cũng có. Nhà thì nuôi thịt, có nhà thì nuôi làm kinh tế.
Hơn nữa, hầu hết lợn trong bản đều được bà con nuôi tự nhiên, chỉ cho ăn cây chuối, sắn và ngô, tuyệt đối không có nhà nào nuôi cám công nghiệp nên lợn lúc nào cũng bán được giá cao, không bị mất giá như lợn ở một số nơi khác. Bây giờ lợn mắc bệnh dịch ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế gia đình của nhiều bà con dân bản.
Đứng thẫn thờ nhìn đàn lợn tự tay mình chăm sóc phải đem tiêu hủy vì dịch bệnh, chị Mùa Thị Dở không khỏi xót lòng. Mấy hôm nay chị như mất ăn, mất ngủ khi nghĩ về đàn lợn của mình.
Chị Dở buồn rầu nói: Đàn lợn của gia đình tôi có 10 con, tuy lợn trong nhà chưa con nào bị chết vì nhiễm dịch bệnh nhưng vì nằm trong vùng dịch nên chúng tôi đều đồng ý cho cán bộ bắt đem tiêu hủy để tránh lây sang bản khác, nghĩ mà tôi tiếc lắm.
Gia đình chị Dở chủ yếu làm nương rẫy trồng trọt và chăn nuôi lợn. Gia đình nuôi được con lợn nái đã 5 năm nay, nó rất mắn đẻ, năm nào cũng được hơn chục con lợn con, nuôi lợn lớn đem bán cũng được vài triệu đồng. Vừa rồi gia đình chị mới bán một con lợn được hơn 10 triệu đồng, vì vậy mà có tiền nuôi con cái ăn học.
Vợ chồng chị Dở có 3 người con, trong đó 1 đứa đang theo học trường cao đẳng, tháng nào cũng phải gửi cho con vài triệu đồng. Nhiều lúc túng thiếu chị phải đi vay, đi mượn hàng xóm cho con học hành, đến kỳ lợn lớn đem bán mới có tiền trả. Giờ lợn bị dịch bệnh, gia đình chị không biết phải tính ra sao...
Còn anh Mùa A Chứ, gia đình anh Chứ cũng nuôi được 10 con lợn, trong đó 3 con lợn to chuẩn bị bán, bỗng trận dịch ập về khiến cả đàn phải đem tiêu hủy. Nhìn đống tài sản giá trị của gia đình vốn ra đi anh Chứ không khỏi xót lòng, anh kể: Gia đình tôi vốn là hộ cận nghèo trong bản, cả 4 miệng ăn trong nhà chủ yếu phú thuộc và mấy mảnh nương nhỏ và chăn nuôi lợn. Giờ lợn không còn không biết bao giờ gia đình mới thoát nghèo được nữa.
Cũng như chị Dở và anh Chứ, nỗi lòng của những người dân Huổi Ái có lợn bị tiêu hủy đều chung cảm xúc xót xa, vì đàn lợn vốn gắn bó với họ nhiều năm, giờ phải đem tiêu hủy để khống chế dịch, bao mồ hôi công sức bỏ ra để gây dựng đàn lợn, giờ nhìn chúng bị đem tiêu hủy, nhiều người không khỏi xót xa rớt nước mắt.
Được biết, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại bản Huổi Ái (Mường É) vào ngày 11.3, từ lợn của một gia đình trong bản bị ốm, chết. Sau khi cơ quan thú y lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Bản Huổi Ái nằm ven Quốc lộ 6, giáp ranh với huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nơi đã xuất hiện các ổ dịch trước đó. Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh các lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch, tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn 108 con tại bản Huổi Ái. Đồng thời, phun khử trùng tiêu độc, vận động bà con không giết mổ, buôn bán, vận chuyển, vứt xác lợn ra môi trường, đảm bảo dịch không lây lan, bùng phát sang địa phương khác.
Đến thời điểm này, hầu hết số đàn lợn nuôi của bà con dân bản Huổi Ái nuôi đều đã được khoanh vùng, tập kết, đem ra hố chôn để tiêu hủy, ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra bên ngoài.
Theo Ngọc Mai (Dân Việt)