Sáng 13/12, Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện pháp luật về đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Sửa đổi của một số luật liên quan đến ngành xây dựng.
Chủ đầu tư cứ sai xong... nộp phạt vì nộp phạt rẻ
Các luật dự kiến được sửa đổi là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực xây dựng.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng khâu cấp phép xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập. Trong quá trình xây dựng có khâu cấp giấy phép, nhưng lại không có khâu kiểm tra xem khâu thực hiện giấy phép thì ra sao.
Ông cho rằng đây là căn nguyên dẫn đến tình trạng vi phạm giấy phép rất phổ biến hiện nay.
“Khi báo chí phát hiện ra thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, chứ cơ quan cấp phép không phát hiện ra”, TS. Liêm nhấn mạnh.
Ông Liêm lấy ví dụ chủ đầu tư chỉ cần bôi trơn cấp dưới thì muốn xây bao nhiêu tầng thì xây, sau đó nộp phạt. Chủ đầu tư nộp phạt vì…rẻ.
“Ở một số quốc gia, họ quy định rõ nếu muốn xây vượt một tầng thì doanh nghiệp sẽ nộp 25 tỷ USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì vi phạm pháp luật mức chịu phạt rẻ hơn bôi trơn", TS. Liêm nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng đưa ra cảnh báo với đề xuất công trình 2 tầng thì miễn giấy phép xây dựng, không cần kiểm tra để tạo thủ tục thông thoáng. Ông nói công trình 2 tầng có cả công trình dùng làm trường học có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát chất lượng. Ông lấy ví dụ về công trình tại một số trường học vừa qua bị sập lan can, khiến hàng chục học sinh phải nhập viện.
TS. Liêm cũng đề xuất sử dụng dịch vụ thanh tra xây dựng để giảm biên chế cũng như tăng hiệu quả của công tác này.
“Ở nước ngoài, khi cấp giấy phép xây dựng chính quyền thu luôn một khoản phí. Phí này để thuê dịch vụ kiểm tra doanh nghiệp có làm đúng giấy phép xây dựng hay không. Lực lượng này không thuộc biên chế Nhà nước.
Về vấn đề cải tạo nhà chung cư cũ, TS. Liêm đặt câu hỏi sao bắt buộc phải đưa doanh nghiệp vào cải tạo, sao không để các chủ chung cư không tự đứng ra cải tạo.
“Những người dân không biết thế nào thì nên thuê dịch vụ tư vấn cải tạo. Rồi dịch vụ tư vấn sẽ thuê doanh nghiệp xây dựng. Không việc gì phải doanh nghiệp, doanh nghiệp làm phải có lãi, chủ đầu tư cải tạo sẽ rẻ hơn nhiều. Họ cũng có thể liên kết thành hợp tác xã để vay vốn ngân hàng như doanh nghiệp. Cái chính là tạo khung pháp luật thuận lợi cho người ta”, ông nhấn mạnh.
“Di chuyển toilet cũng phải xin phép”
Đến từ Công ty luật SMIC, bà Vũ Đặng Hải Yến, nêu ra bất cập về việc thủ tục để triển khai một dự án đang làm khó doanh nghiệp.
Bà lấy ví dụ thủ tục thẩm định PCCC, thẩm định thiết kế, thẩm định về môi trường phải thực hiện ở 3 cơ quan khác nhau. Bà Yến đề xuất cần thu về một cửa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp. “Doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan. Các cơ quan sau đó phối hợp với nhau và trả lời doanh nghiệp”, bà Yến đề xuất.
Là đại diện pháp lý của nhiều doanh nghiệp, bà Yến cũng nhấn mạnh hình thức condotel chưa được đề cập trong các dự thảo sửa văn bản luật ngành xây dựng. Thực tế hiện nay tại các tỉnh đều có những cách hiểu khác nhau về condotel. Do đó, người dân cần biết những quy định riêng.
Bà cũng cho rằng cần giải thích rõ các khái niệm như “đất ở không hình thành đơn vị ở” là gì, có định nghĩa “condotel”… “Condotel có được coi là một sản phẩm gì đó để mua bán được hay không? Luật có nên có một cơ sở vững chắc được hay không, tránh bối rối hay không”, bà Yến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch hiệp hội nhà thầu Việt Nam, thì nhấn mạnh các luật liên quan của ngành xây dựng còn quá nhiều bất cập với doanh nghiệp và đề nghị ban soạn thảo lắng nghe để sửa trong lần này.
Ông Hiệp cho rằng việc quy định rõ quyền sử dụng đất là điều đắt giá trong sửa đổ lần này vì chỉ cần một cái sai cũng gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn tới nhiều ý hiểu khác nhau của doanh nghiệp và địa phương.
Ông dẫn một ví dụ về giấy phép xây dựng từ thời Pháp thuộc. Theo ông, giấy phép thời đó được làm bằng chất liệu rất tốt nhưng lại có nội dung rất đơn giản. Nội dung chỉ ghi rõ thửa đất và mặt tiền được cho phép làm gì, chứ không hề quy định phức tạp như hiện nay.
Đối chiếu lại hiện nay, ông Hiệp đề xuất giấy phép xây dựng cũng nên làm đơn giản, tại thửa đất cho phép xây dựng nhưng để quyền tự do cho người dân họ muốn xây dựng bên trong thửa đất thế nào, với mặt tiền phù hợp.
Trong khi đó, quy định hiện nay việc điều chỉnh bên trong căn nhà, di chuyển toilet trong cùng một căn nhà ra các vị trí khác nhau cũng phải xin ý kiến cơ quan chức năng rất phức tạp. Ngoài ra còn rất nhiều các quy định khác về số tầng, độ cao tầng, các chỉ tiêu khác nhau… tạo sự phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Xây dựng, đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho biết cơ quan này sẽ tiếp thu để chỉnh sửa luật theo hướng có lợi nhất và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)