Dự án khu dân cư mới xã Đoàn Tùng được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt từ năm 2016 với diện tích 9,7ha. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 130 tỷ đồng để phục vụ việc giãn dân, đến năm 2020 đưa Đoàn Tùng trở thành đô thị loại 5.
Đất đền bù 70 nghìn đồng/m2
Trong quá trình triển khai, hơn 40 hộ dân có đất thuộc dự án không đồng ý với mức giá đền bù đưa ra là 70 nghìn đồng/m2.
Trước bức xúc của người dân xã Đoàn Tùng về việc đền bù đất giá bèo, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã vào cuộc xác minh và có những kết luận bước đầu.
Cụ thể, cuối tháng 11/2018, Sở TN&MT tỉnh Hải Dương đã phối hợp với lãnh đạo các Sở Tài chính, Sở Xây dựng, UBND huyện Thanh Miện, xã Đoàn Tùng và công ty cổ phần đầu tư DVS Việt Nam (gọi tắt công ty DVS) để lấy ý kiến làm cơ sở báo cáo UBND tỉnh.
Báo cáo của Sở TN&MT nêu rõ, dự án khu dân cư Đoàn Tùng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2016. Đến ngày 27/9/2017, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, nhà đầu tư được chọn là công ty DVS.
Tiếp đó, tháng 10/2017, UBND huyện Thanh Miện ban hành các quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường khi thực hiện dự án.
Tuy nhiên, trong báo cáo của hội đồng GPMT huyện Thanh Miện về tình hình giải phóng mặt bằng dự án lại xuất hiện nhiều điểm chưa trùng khớp với báo cáo của Sở TN&MT.
Cụ thể, tính đến ngày 23/6/2017, hội đồng GPMB thống kê có 70 hộ dân ký nhận phương án bồi thường. Hội đồng GPMB huyện phối hợp với UBND xã Đoàn Tùng chi trả tiền cho 70 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền hơn 9,5 tỷ đồng trên tổng diện tích gần 40 nghìn m2.
Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Miện Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định: “Tất cả số tiền phục vụ dự án là do nhà đầu tư (công ty DVS) ứng hết, bây giờ không có ngân sách của nhà nước, sau đó sẽ hạch toán vào dự án”.
Lãnh đạo huyện: Không có chuyện 'thông thầu'
Thông tin này khiến nhiều người dân xã Đoàn Tùng thắc mắc tại sao chưa có quyết định trúng thầu của UBND tỉnh mà nhà thầu đã rót vốn, liệu việc làm này có đi ngược quy định hiện hành?
Ngoài ra, căn cứ vào báo cáo của Sở TN&MT thì hội đồng GPMB huyện đã đền bù đất và chi trả tiền bồi thường (theo đơn đề nghị của các hộ dân) trước thời điểm ban hành các quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường.
Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Thanh Miện Bùi Trọng Thược lý giải, huyện và nhà đầu tư đã làm đúng quy định và không có chuyện ‘thông thầu’ trong dự án này.
Theo ông Thược, dự án này được đấu thầu công khai theo nghị định 30 của Chính phủ. Sau mở thầu, UBND huyện tổ chức chọn lựa sơ khảo các nhà đầu tư đủ tiềm lực thực hiện dự án.
“Ngày 23/2/2017, UBND tỉnh có quyết định về kết quả sơ tuyển nhà đầu tư, tại vòng sơ tuyển chỉ có duy nhất công ty DVS Việt Nam gửi hồ sơ”, ông Thược thông tin.
Nhận thấy dự án còn nhiều điểm cần làm rõ, một số người dân thôn Phạm Lâm (xã Đoàn Tùng) đã gửi đơn khởi kiện UBND huyện Thanh Miện lên tòa án tỉnh Hải Dương để ‘hủy quyết định hành chính’ khi triển khai dự án.
Doanh nghiệp chỉ rót vốn sau quyết định trúng thầu
Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc doanh nghiệp rót vốn GPMB dự án trước khi có quyết định trúng thầu của UBND tỉnh là sai.
Căn cứ vào các điều 55, 56 của luật Đấu thầu năm 2013 thì sau khi trải qua các bước tổ chức lựa chọn và thẩm định hồ sơ dự thầu thì UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
Từ đó UBND tỉnh với nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng, khi hợp đồng có hiệu lực thì nhà đầu tư được lựa chọn mới có quyền được tham gia vào dự án cũng như rót vốn vào công tác GPMB.
Về trình tự GPMB của dự án, ông Hải cho rằng hội đồng GPMB huyện đã không tuân thủ các trình tự quy định tại luật Đất đai 2013, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
"Việc người dân ký nhận và có đơn đề nghị nhận trước tiền bồi thường khi chưa phê duyệt phương án bồi thường là sai trình tự được quy định cụ thể trong luật Đất đai 2013", lời ông Hải.
Theo Đoàn Bổng (VietNamNet)