Chiều 11/5, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã có chuyến thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao (CNC) TP.HCM.
Buổi làm việc nhằm lắng nghe hiến kế của các chuyên gia về việc thu hút và trọng dụng đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Góp ý tại đây, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM gợi mở những vấn đề cần tháo gỡ để Khu CNC TP.HCM nói riêng và các khu trong cả nước phát huy hiệu quả.
Theo ông, cơ chế quản lý khu CNC hiện nay có cảm giác như “cái áo mặc đã quá chật”, cần phải có sự đổi mới trong tổ chức quản lý.
Ông nêu ví dụ, ngày trước, khi thành lập Khu CNC TP.HCM thì với cơ chế một cửa, các công việc được quyết rất nhanh. Nhưng hiện nay, nhiều việc phải xin phép rất phiền hà, thậm chí còn xin các bộ, ngành vì Trung ương đang quản lý các khu CNC.
Đồng thời, ông Trực cũng chỉ ra rằng, việc thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học vào làm việc ở khu CNC hiện chưa hiệu quả vì thu nhập thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.
Do đó, ông đề xuất vấn đề thu nhập cơ bản của các chuyên gia, kỹ thuật làm việc tại đây cần theo một chính sách mở; cho phép có thu nhập vượt trội theo hiệu quả công việc.
“Trong cơ chế thu hút nhân tài, theo tôi, cần thực hiện chính sách miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia trong 5 năm và hơn nữa, mới có thể thu hút được đội ngũ này làm việc trong khu CNC và cả cho TP.HCM”, ông Phạm Chánh Trực đề xuất.
Còn theo một số chuyên gia khác, để thu hút nhân tài vào làm việc trong các khu CNC, cần tạo cho họ tổ ấm, yên tâm làm việc.
Cần cơ chế về thuế, cơ chế năng động, có chính sách đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ra cạnh tranh với thị trường quốc tế, tạo cơ hội cho phát triển chung.
Còn theo Trưởng Ban Quản lý Khu CNC TP.HCM Nguyễn Anh Thi, việc phát triển đội ngũ nhân lực, thu hút chuyên gia… cần chính sách thuế gắn với vấn đề này.
“Chúng ta chỉ cần kích hoạt chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân 5 năm cho các chuyên gia, nhà khoa học… thì sẽ thu hút được nhiều nhân tài về làm việc”, ông Thi đề xuất.
Làm giàu từ nguồn lực tri thức
Tiếp thu các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) Lê Xuân Định đồng tình việc thu hút chuyên gia Việt kiều về làm việc tại Việt Nam phải có môi trường làm việc tốt, cần nhiều chính sách ưu đãi về thuế.
“Thời gian qua, Bộ KH-CN cùng với TP.HCM phối hợp chuẩn bị nội dung xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Khi các cơ chế vượt trội thành công tại Khu CNC TP.HCM, sẽ triển khai rộng ra toàn quốc”, theo Thứ trưởng Định.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cũng cho biết, cần mạnh dạn ứng dụng thí điểm các cơ chế, chính sách vượt trội trong lĩnh vực KH-CN mà luật chưa có, chưa rõ ràng hoặc chồng chéo… mà chờ sửa thì mất cơ hội.
Song song đó, cũng cần cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm… vấn đề này cần có quyết tâm chính trị cao.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao kết quả mà Khu CNC TP.HCM đạt được thời gian qua.
Theo ông, Khu CNC TP.HCM là nơi đi đầu, huy động được đội ngũ chuyên gia, trí thức hàng đầu; đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố và của cả nước. Đây cũng là nơi tiệm cận được trình độ khoa học-công nghệ của khu vực và quốc tế.
Cũng theo người đứng đầu ngành Tuyên giáo, làm giàu là từ nguồn lực con người, từ khoa học, trí tuệ…, không phát huy các yếu tố này sẽ bị tụt hậu.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trong khi công tác xây dựng nghị định quy định về khu CNC (sau đây gọi là nghị định) đang hoàn thiện, các khu CNC, trong đó có TP.HCM cần phải chủ động mọi hoạt động, không chờ đợi đến việc hoàn thành nghị định.
Ông cũng nhắc đến việc, Thủ tướng nhiều lần nói đến quyết tâm khắc phục điểm nghẽn, gỡ vướng. Vì vậy, cần phải tìm cách khơi dậy các nguồn lực, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế.
“Nếu chúng ta không hành động, không làm gì thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước, sẽ có tội với nước, với dân”, ông Nghĩa nhắc nhở.
Ông cũng cho biết, những buổi làm việc với các khu CNC nhằm tiếp thu ý kiến, lắng nghe đề xuất để xây dựng nghị định, nghị quyết với tinh thần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ kiểm tra… Đặc biệt, với Khu CNC TP.HCM, việc đột phá phải gắn với nghị quyết đặc thù của thành phố.
Về các vấn đề vướng mắc, các ý kiến đề xuất của Ban Quản lý Khu CNC và các chuyên gia, ông Nghĩa yêu cầu các bộ, ngành liên quan đồng hành với khu CNC nói chung và của TP nói riêng trong gỡ vướng các điểm nghẽn cũng như xem xét các kiến nghị về thuế, về đất đai...
Theo Hồ Văn (VietNamNet)